Tiến
sĩ Nguyễn Công Phú là Tổng Giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á, một trong
5 tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các
công trình xây dựng, công nghiệp. Năm 1995, từ uy tín của tiến sĩ Phú, Apave
quyết định thiết lập chi nhánh ở Việt Nam,
mở ra một giai đoạn đầu tư mới vào Việt Nam.
Hai
lần về Việt Nam
Năm
1982, tiến sĩ Nguyễn Công Phú, người Việt sống tại Pháp, đã trở lại Việt Nam
với tư cách là trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn
của tập đoàn Bureau Veritas để làm việc với Bộ Năng lượng về nội dung giải
quyết sự cố nồi hơi cho nhà máy nhiệt điện Yên Phụ (Hà Nội) và Thủ Đức
(TP.HCM). Tuy nhiên chuyến đi ngắn ngủi ấy chỉ khiến cho ông thêm băn khoăn,
trăn trở vì vốn kiến thức của mình chưa có nhiều điều kiện thi thố, ứng dụng.
Chất
chứa trong lòng nỗi niềm ấy, mãi đến năm 1995, ông quyết định gia nhập ban lãnh
đạo tập đoàn Apave với chức danh Tổng Giám đốc. Lý do lớn nhất mà ông về với
tập đoàn Apave là ông đã nhìn thấy khả năng có thể thuyết phục được tập đoàn
này đầu tư vào Việt Nam.
Để thực hiện ước nguyện của mình, ông nhận trọng trách thay mặt tập đoàn trực
tiếp triển khai chiến lược phát triển dịch vụ giám định chất lượng và an toàn,
hỗ trợ kỹ thuật tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một mình về nước, ông Phú
dốc hết tâm huyết vào công việc trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lại cho 200 kỹ
sư, chuyên viên, kỹ thuật viên đạt đến trình độ hàng đầu cả nước trong lĩnh vực
hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy cho các công trình
dầu khí trên bờ và trên biển cũng như trên lĩnh vực tư vấn xây dựng hệ thống
quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
Hầu
hết những cán bộ kỹ thuật của Apave do ông đào tạo đều có trình độ chuyên môn
quốc tế. Hàng chục cán bộ của công ty đã đi làm chuyên gia giám định ở khắp các
nước trên thế giới. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy những công việc mà cán
bộ của công ty thực hiện: giám sát các chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả các
kỹ sư Pháp, Mỹ..., với mức lương lên đến 10.000 USD/tháng. Có một số kỹ sư
người Việt Nam do ông đào tạo trên lĩnh vực thử nghiệm không phá hủy đã được
cấp chứng chỉ chuyên viên cấp 3 của ASTN ( Mỹ) -một trình độ hiếm người đạt
được.
30
năm khổ luyện
Năm
1972, chàng sinh viên Nguyễn Công Phú được học bổng của chính phủ Pháp và sang
Pháp học. Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Grenoble, anh vừa đi làm cho
Phòng thí nghiệm trung tâm về cầu đường ở Paris thuộc Bộ thiết bị giao thông
Pháp vừa học lấy bằng tiến sĩ cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Tổng
hợp Paris. Đạt được tấm bằng tiến sĩ, anh tiếp tục học cao học về “An toàn
trong xây lắp công nghiệp” ở London
(Anh quốc).
Trong
30 năm sống ở nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã tham gia nghiên cứu nhiều
phương án kỹ thuật, tham gia thiết kế và xây lắp các nhà máy nhiệt điện, điện
tử tại Pháp, Mỹ, Iran, Huy Lạp, Brasil...và các nhà máy khí hóa lỏng, lọc dầu
tại Algeria, Mexico, Arab Saudi.... Từ năm 1982 anh làm việc cho tập đoàn Bureau
Veritas với chức danh trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công
nghiệp lớn như: nhà máy lọc dầu, tổ hợp lọc dầu, nhà máy nhiệt điện, nguyên tử.
Anh đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi để nghiên cứu và kiểm tra các tài liệu
thiết kế nhà máy điện nguyên tử cho tập đoàn EDFF&GEC Alsthom; tham gia xác
định và lập kế hoạch an toàn trong chế biến của tổ hợp khí hóa lỏng tại
Malaysia của tập đoàn ESSO; nghiên cứu về an toàn cho 12 công viên vui chơi
giải trí thuộc hệ thống Euro Disneyland...
Bài
toán xuất khẩu tri thức Việt
Tiến
sĩ Nguyễn Công Phú sinh ra và lớn lên ở Huế. Khi còn là sinh viên ngồi trên ghế
giảng đường, Nguyễn Công Phú đã là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh
viên Huế và là thành viên của Đoàn chủ tịch Hội sinh viên Huế. Cho đến nay,
dường như lửa nhiệt tình trong ông vẫn còn cháy bỏng. Trở về Việt Nam với nhiệm
vụ đào tạo chuyên gia, cán bộ -chuyên viên kỹ thuật, tiến sĩ Nguyễn Công Phú
còn ấp ủ ý định đẩy mạnh “xuất khẩu tri thức Việt”. Ông tâm sự: “Thử làm một
phép tính đơn giản, một công ty như Apave đến năm 2005 sẽ xuất khẩu khoảng 100
chuyên gia đi thế giới. Vậy đến năm 2010, toàn Việt Nam (bao gồm nhiều đơn vị
có cùng chức năng trên -LTS) dư sức xuất khẩu 500.000 chuyên gia được quốc tế công
nhận trong tất cả các lĩnh vực từ quản lý dự án, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư nông
nghiệp đến kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật...Tính rẻ lương mỗi người khoảng
30.000 USD/năm thì chúng ta đã có 15 tỷ USD. Số tiền này lớn hơn nhiều so với
việc chúng ta chỉ xuất khẩu gạo và lao động”.
Ước
vọng lạc quan nhưng không hề quá đơn giản trong cách nghĩ, tiến sĩ Nguyễn Công
Phú luôn rất nghiêm khắc trong những yêu cầu về mặt chuyên môn. Ông khẳng định:
“Đừng xem chúng tôi-những người giám định- chỉ đơn thuần là những kẻ trông coi
ciment, sắt thép...Chúng tôi phải đổ rất nhiều công sức để có được những kiến
thức. Từ đó chúng tôi mới có thể trông coi những đống vật liệu ấy, sao cho
chúng được sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất và không bị thất thoát”.
(Theo
Đại đoàn kết)