28 tháng 11 2024
01 tháng 9 2022
Bùi Xuân Phái – Họa sĩ nổi tiếng người Việt Nam
Bùi Xuân Phái – Họa sĩ nổi tiếng người Việt Nam
Bùi Xuân Phái
(1 tháng 9 năm 1920 – 24 tháng 6 năm 1988) là một họa sĩ Việt Nam, nổi tiếng với
các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội.
Tiểu sử
Quê gốc của Bùi Xuân Phái là ở làng
Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Ông tốt nghiệp khoa Hội
họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945.
Bùi Xuân Phái tham gia kháng chiến,
tham dự triển lãm nhiều nơi. Năm 1952 ông về Hà Nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc
Bắc cho đến khi mất.
Năm 1956-1957 ông giảng dạy tại Trường
Mỹ thuật Hà Nội. Năm đó Bùi Xuân Phái tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm,
phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định và ban giám hiệu nhà
trường đã đề nghị ông phải viết đơn xin thôi không giảng dạy tại trường Mỹ thuật.
Sự nghiệp hội họa
Bùi Xuân Phái là một trong những họa
sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương,
cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng,
Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự
phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam
mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được
quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.
Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ
kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên
50, 60, 70. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố
không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh
quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của ông, người xem nhận thấy
họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối
bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng
mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề
tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành
công. Nhiều tranh của Bùi Xuân Phái đã được giải thưởng trong các cuộc triển
lãm toàn quốc và thủ đô. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy
báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau
như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Các tác phẩm của ông biểu
hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do,
óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực
minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế
(Leipzig) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982).
Do tham gia phong trào Nhân văn Giai
phẩm, từ năm 1957 trở đi, hoạt động của ông dần bị hạn chế. Để kiếm sống, ông
phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các báo, lấy bút hiệu là: PiHa, ViVu,
Ly. Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc triển lãm cá nhân (đầu tiên và cũng
là duy nhất), nhận được sự đánh giá cao từ phía công chúng, đồng nghiệp. Với 24
bức tranh được khách hàng đặt mua ngay trong ngày khai mạc, có thể coi đây là
triển lãm thành công nhất so với trước đó tại Việt Nam. Đó cũng là lần đầu
tiên, Đài truyền hình Việt Nam dành thời lượng lớn phát sóng để giới thiệu về
cuộc đời và tác phẩm của Bùi Xuân Phái trong chương trình Văn học Nghệ thuật.
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng với
tình yêu nghệ thuật, khát khao tìm tòi và thể hiện cái đẹp dung dị đời thường bằng
những nét vẽ cọ, Bùi Xuân Phái đã không ngừng vẽ, sáng tạo nghệ thuật ngay cả
khi không mua được vật liệu và ông đã phải tận dụng mọi chất liệu như vỏ bao
thuốc lá, giấy báo… Ông cũng là họa sĩ đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để
cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng. Ông mất
ngày 24 tháng 6 năm 1988 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ
Chí Minh.
Tác phẩm chính
·
Phố cổ Hà Nội - Sơn dầu 1972
·
Hà Nội kháng chiến - Sơn dầu 1966
·
Xe bò trong phố cổ - Sơn dầu 1972
·
Phố vắng - Sơn dầu 1981
·
Hóa trang sân khấu chèo - Sơn dầu
1968
·
Sân khấu chèo - Sơn dầu 1968
·
Vợ chồng chèo - Sơn dầu 1967
·
Trước giờ biểu diễn - 1984
Giải thưởng mỹ thuật
·
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học -
Nghệ thuật năm 1996
·
Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn
quốc năm 1946
·
Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn
quốc năm 1980
·
Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức)
·
Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm
1969, 1981, 1983, 1984
Tặng thưởng
·
Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt
Nam 1997
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội
Tháng 8 năm 2008, nhân kỷ niệm 85 năm
ngày sinh của danh họa, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội là sáng
kiến của Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa
sĩ; nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng
có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội
và thấm đượm một tình yêu Hà Nội.
Vinh danh
Tên ông được đặt cho một con đường ở
khu đô thị mới Mỹ Đình thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, phường Nam Lý,
thành phố Đồng Hới, Quảng Bình và ở quận Hải Châu của thành phố Đà Nẵng.
Ngày 1 tháng 9 năm 2019, trang chủ của
công cụ tìm kiếm Google đã vinh danh ông nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông
bằng biểu tượng Google Doodle. Theo đại diện của Google, đây là sự vinh danh
người họa sĩ đã góp phần ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam
hiện đại và những thành tựu cống hiến cho quê hương, cho những người yêu Hà Nội.
Đây là lần thứ 2 Google Doodle vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn nhân dịp sinh nhật
lần thứ 80 của ông.
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
24 tháng 8 2022
Tạ Tỵ - Họa sĩ, Nhà thơ, Nhà văn Việt Nam
Tạ Tỵ - Họa sĩ, Nhà thơ, Nhà văn Việt Nam
Tạ Tỵ (1921 –
2004), tên thật là Tạ Văn Tỵ, là một họa sĩ và còn là một nhà thơ, nhà văn Việt
Nam.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức
ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Nhưng trong giấy khai sinh của ông lại
ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn mất một năm.
Từ khi còn là một sinh viên, Tạ Tỵ đã
thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm
kinh đô Huế.
Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và cũng năm này, bức tranh "Mùa Hè" của
Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.
Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt
Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều họa sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt
Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3.
Tác phẩm "Nhớ Hà Nội" năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai
đoạn này.
Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng
kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng "Cách suy
nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ".
Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài
tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện,
thơ, kịch bản, bút ký...
Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh
tại Hà Nội.
Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài
Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng
là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.
Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức
tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập
thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.
Năm 1975, sau thời gian học tập cải tạo,
ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian sống tại nước ngoài,
Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông
quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương
mình.
Vào 10 giờ sáng 24 tháng 8 năm 2004
(mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân), Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, Thành phố Hồ Chí
Minh, sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.
Tác phẩm
Hội họa
·
Năm 1951: triển lãm 60 bức tranh tại
Hà Nội.
·
Năm 1956: cuộc triển lãm hơn 60 bức
tranh đầu tiên tại Sài Gòn.
·
Năm 1961: Cuộc triển lãm lần thứ hai
60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn.
Tác phẩm của ông được trưng bày tại
nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và
Paris
Văn chương
·
Những Viên Sỏi (tập truyện), Nhà xuất
bản Nam Chi Tùng Thư 1962
·
Yêu Và Thù (tập truyện), Nhà xuất bản
Phạm Quang Khai 1970
·
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (nhận định
văn học), Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1970
·
Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, Nhà xuất bản
Văn Sử Học 1971
·
Cho Cuộc Đời (thơ), Nhà xuất bản Khai
Phóng 1971
·
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Nhận
định văn học), Nhà xuất bản Lá Bối 1972
·
Bao Giờ (tập truyện), Nhà xuất bản
Gìn Vàng Gởi Ngọc 1972
·
Ý Nghĩ (tạp văn), Nhà xuất bản Khai
Phóng 1974
·
Đáy Địa Ngục (hồi ký), Nhà xuất bản
Thằng Mõ 1985
·
Những Khuôn Mặt Văn Nghệ - Đã Đi Qua
Đời Tôi (hồi ký), Nhà xuất bản Thằng Mõ 1990
·
Xóm Nhà Tôi (tập truyện), Nhà xuất bản
Xuân Thu 1992
·
...
Nhận xét
Tạ Tỵ là một nghệ sĩ đa tài. Ban đầu
ông có vẽ sơn mài, cùng thời kỳ với những họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm... Nhưng ông được biết đến
nhiều hơn cả khi đi theo trường phái tranh lập thể. Theo họa sĩ Trịnh Cung, Tạ
Tỵ là người gắn bó và đi đầu trong phong cách hội họa lập thể ở Việt Nam từ thập
niên 1940 đến 1960. Sang thập niên 1970, ông chuyển sang phong cách trừu tượng.
Tuy sống trong thời kì hai miền Việt
Nam chia cắt, nhưng người ta không tìm thấy bóng dáng chiến tranh trong hội họa
Tạ Tỵ. Một mảng tranh được công chúng biết đến nhiều là những bức ký họa do Tạ
Tỵ vẽ về những nghệ sĩ mà ông quen biết. Những bức chân dung các nghệ sĩ như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đái Đức Tuấn,
Vũ Hoàng Chương, Trịnh Công Sơn... có thể tìm thấy nhiều trên sách báo miền
Nam Việt Nam trước 1975 và được giới nghệ sĩ đánh giá cao.
Ngoài hội họa, ông còn nổi tiếng trên
nhiều lĩnh vực sáng tác: truyện, thơ, kịch bản, bút ký... Trong hơn nửa thế kỷ
sáng tác, Tạ Tỵ đã để lại nhiều tác phẩm với các thể loại khác nhau.
Đề tựa cho tuyển tập truyện ngắn Những
Viên Sỏi của Tạ Tỵ xuất bản lần đầu tiên, Nhà văn Nguyễn Hoạt viết: "Tôi
nhận thấy trong con người Tạ Tỵ cũng như trong tác phẩm văn chương của anh, cái
đáng yêu nhất, đáng quý nhất vẫn là 'Tình Thương' chân thành, một 'Tình Thương'
do sự khích động qua xúc cảm mà bật ra, chứ không phải là một thứ văn chương hời
hợt, giả tạo."
Tranh Tạ Tỵ
Năm 1951, Tạ Tỵ triển lãm tranh tại
Hà Nội, có lẽ bức tranh sơn dầu mang tên Cô Đơn (67 x 54.5 cm) đã có mặt.(xem ảnh)
Bức tranh Cô Đơn được nhà Sotheby đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với
giá khá cao: 19.550 Singapore dollars.
Trong catalogue của Sotheby đã nhận
xét bức tranh:
"Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập Thể của Tạ
Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật ngay vào ngay
trung tâm bức tranh, những hình thể kỹ hà, chẳng hạn như việc xử lý mái tóc
không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của
khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục này tạo
thành một bức tranh Lập Thể độc đáo."
Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một
loạt 50 chân dung của các nhân vật văn nghệ miền Nam Việt Nam. Đây là loạt
tranh chân dung đầu tiên thể hiện những cá nhân độc đáo, trong một phong cách đặc
biệt. Sự phối hợp truyền thần và phong cách Lập thể, những mảng màu tương phản
gắt gao cắt nhau, nhằm bộc lộ cá tính và nghề nghiệp của nhân vật.
Như bức tranh Chân dung Vi
Huyền Đắc là một ví dụ. Vi Huyền
Đắc vừa là nhà ngôn ngữ học, tự vị học và nhà viết kịch. Nhưng nơi con người
có nhiều khả năng này, Tạ Tỵ đã chọn "nhà viết kịch" để thể hiện Vi
Huyền Đắc: chân dung được trình bày bên cạnh bức màn sân khấu đỏ rực, cứ như Vi
Huyền Đắc đang ở bên cánh gà.
Bức Mùa hè đỏ lửa (1972, 350 x 170
cm), khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam, bức tranh được đổi tên Cất Cánh, vẽ theo phong
cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm
1998. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo tàng này.
Thơ Tạ Tỵ
Thương về năm cửa Ô xưa
Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa...
Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!...
Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về năm cửa Ô xưa!...
Câu chuyện ngày xưa
(Trích)
...Một buổi em đi mười chín
Lấy chồng Kinh Bắc xa xôi.
Đồi núi chập chùng mở hội,
Gió về se lạnh lòng tôi.
Gác nhỏ giã từ tưởng vọng
Mưa về quằn quại tiếc thương
Đâu giấc mơ tình dằng dặc?
Nhìn qua ô cửa mười phương...
...Em lại trở về buồng cũ
Bên chồng ôm ấp con thơ.
Tôi lại trở về gác nhỏ,
Nhìn em như chẳng bao giờ.
Nhưng thôi còn đâu buổi ấy
Tôi ngồi dằn bút lòng đau.
Gác cũ trơ vơ gạch ngói,
Kinh thành tang tóc lên màu.
Phố nhỏ nằm trơ nắng rãi
Bóng nghiêng cây đổ đường dài.
Lớp lớp nhà xiêu bụi trắng,
Mùa thu tím sắc lòng ai?
Em có về đây một buổi
Tôi chờ đã héo màu hoa.
Năm tháng phai xanh tàn tạ,
Hờ ơi, thuở ấy đâu mà ?...
(Hà Nội, 1952)
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
13 tháng 8 2022
Trần Văn Cẩn – Họa sĩ nổi tiếng Việt Nam
Trần Văn Cẩn – Họa sĩ nổi tiếng Việt Nam
Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) là một họa
sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu
của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn.
Ông cũng là người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy Việt Nam theo ý kiến chỉ
đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt thành dạng hoàn chỉnh như ngày
nay.
Thân thế và niềm đam mê hội họa
Ông sinh ngày 13 tháng 8 năm 1910 tại
thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Quê gốc
phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, cha là một
công chức bưu điện, ông được gia đình cho ăn học tử tế. Năm 1924, sau khi học hết
hết bậc Tiểu học ở Kiến An, ông được gia đình đưa lên Hà Nội sống với bà nội.
Thuở nhỏ, chịu ảnh hưởng từ mẹ, vốn
là một nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và đèn giấy bằng nan tre, và người
cậu chuyên nghề vẽ đèn giấy, ông sớm có biểu lộ năng khiếu và sự ham thích với
ngành hội họa. Sự ham thích này được cha ông tán thành. Chính vì vậy, chỉ sau
chưa đến 2 năm học bậc Trung học, năm 1925, theo ý kiến của bố, ông thi vào Trường
Kỹ nghệ thực hành (École de l’art appliqué) Hà Nội, học vẽ mẫu đăng ten và thiết
kế đồ gỗ.
Năm 1930, ông tốt nghiệp và được điều
về làm việc ở Viện Hải dương học Nha Trang, làm công việc vẽ, chép lại những
con cá lạ đánh bắt được từ biển về để lưu trữ vào hồ sơ gốc. Tại đây, ông làm
quen với một họa sĩ Pháp đến giúp Viện xây dựng mô hình để tham dự hội chợ triển
lãm ở Paris, và bắt đầu làm quen với kỹ thuật hội họa phương Tây. Ông bắt đầu
sáng tác những tác phẩm đầu tay của mình với chủ đề biển và cảnh cá. Không lâu
sau, ông bỏ công việc ở Viện, quay về Hà Nội để theo đuổi ngành hội họa.
Năm 1931, sau 3 tháng học dự bị do họa
sĩ Nam Sơn hướng dẫn, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo
học khóa VI (1931-1936) cùng với Nguyễn
Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thụy Nhân, Vũ Đức Nhuận...
Thành danh tứ kiệt
Thời gian ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương, ông cùng các bạn học vừa học tập vừa sáng tác. Năm 1933, ông cùng với Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân, nghiên cứu về kỹ thuật sơn ta, để
tìm cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể
nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Năm 1934, tác phẩm đầu
tay mang tên "Mẹ tôi" đã được tham dự triển lãm ở Paris. Năm 1935, tại
triển lãm lần thứ nhất Hội Khuyến khích Kỹ thuật và Công nghệ (viết tắt là
SADEAL), ông có bốn tác phẩm "Em gái tôi" (sơn dầu), "Cha
con" (lụa), "Đi làm đồng" và "Cảnh bờ sông" (khắc gỗ
màu) tham gia triển lãm và được tặng giải ngoại hạng và được cử vào Ban giám khảo.
Năm 1936, ông tham gia triển lãm SADEAL lần II với ba bức tranh lụa: "Cô
đơn", "Chân dung cô gái nhỏ" và "Chăn ngựa". Năm 1937
ông dự hội chợ triển lãm quốc tế Paris với bốn tác phẩm lụa: "Chân dung cô
gái trên nền hoa đào", "Chợ hoa", "Thê" và "Mang
cỏ cho ngựa ăn".
Tốt nghiệp với tác phẩm "Lều
chõng" rất được đánh giá cao, nhưng khi ra trường, ông từ chối sự bổ nhiệm
của chính quyền thuộc địa để tiếp tục tập trung vào trải nghiệm và sáng tác thử
sức trên nhiều chất liệu khác nhau. Năm 1938, ông tham gia triển lãm SADEAL lần
III tại Hải Phòng với các tác phẩm "Đi lễ chùa" (lụa), "Trong vườn"
(sơn mài) và nhận được Giải Ngoại hạng, tác phẩm được gửi đi dự triển lãm ở
Batavia. Năm 1939, ông tham gia triển lãm SADEAL lần IV với "Bên sông Hồng"
(lụa), "Phong cảnh Huế" (sơn dầu). Năm 1940, ông gửi các tác phẩm
"Gánh lúa" (lụa), "Ngư dân" (sơn dầu) sang tham dự triển
lãm tại Tokyo.
Năm 1943, ông gia nhập nhóm Trung tâm
nghệ thuật Việt Nam (Foyer de l’ Art Annamite - FARTA) do họa sĩ Lê Văn Đệ sáng
lập, đồng thời gửi hai tác phẩm tham dự triển lãm là "Em Thúy" (sơn dầu)
và "Gội đầu" (khắc gỗ), và được tặng giải nhất. Năm sau, ông gửi hai
tác phẩm "Bên ao sen" (sơn dầu), "Hai thiếu nữ trước bình
phong" (lụa) tham gia triển lãm FARTA lần 2. Cũng năm 1944, ông gửi tác phẩm
"Nắng trong vườn" (sơn dầu) tham dự triển lãm "Duy nhất".
Chính những hoạt động của thế hệ họa
sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời đó như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn
Tường Lân, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn... đã tạo nên thời đại
hoàng kim của những tác phẩm hội họa hiện đại ngay giai đoạn đầu ở Việt Nam.
Đương thời, giới hội họa Việt Nam đã xưng tụng tứ kiệt hội họa Nhất Trí, nhì
Vân, tam Lân, tứ Cẩn.
Sự nghiệp một đời
Là người dân thuộc địa, ông ít nhiều
cảm tình với những nhà cách mạng đấu tranh giành độc lập. Mối cảm tình này đã
thúc đẩy ông tham gia hoạt động trong phong trào Văn hóa Cứu quốc của Việt
Minh, vẽ tranh cổ động "Cứu nông dân", "Trừ giặc đói",
"Phá xiềng", "Bản đồ Việt Nam không thể chia cắt".
Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn cùng nhiều họa sĩ khác đã
hồ hởi dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm. Bức "Nước Việt Nam
của người Việt Nam" của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân
hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc
lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức "Xuống đồng" của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội
Văn hóa Cứu quốc mua, cùng với bức "Bác
Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ" của Tô
Ngọc Vân và "Chân dung Chủ tịch
Hồ Chí Minh" của Nguyễn Đỗ
Cung.
Tháng 7/1948: tại Đại hội Văn nghệ
toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam.
Tháng 6/1954: Trần Văn Cẩn thay thế
Tô Ngọc Vân (đã mất trong thời gian này) đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật
và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969).
Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn
đã được trao nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng
nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật
(1996).
Năm 2010, một con phố thuộc khu đô thị
Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội được đặt tên Trần Văn Cẩn.
·
Tác phẩm tiêu biểu
·
Em Thúy (8 tuổi)
·
Em Thúy (24 tuổi)
·
Nữ dân quân vùng biển
·
Chân dung bác thợ lò
·
Thiếu nữ áo trắng
·
Gội đầu
·
Xuống đồng
·
Tát nước đồng chiêm
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
"SELF-ENQUIRY, "WHO AM I?""
ĐỌC NHIỀU
-
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhàthần học và nhà giả kim người Anh, đ...
-
VŨ GIA HIỀN Ông tiến sĩ kiêm nhiều “vai diễn” Hiếm ai như ông, cùng một lúc say mê rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, một nhà nghiên cứu vật...
-
"Phải làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan, để sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc". Đó là lời tâm niệm của Trần Hải Li...
-
Oliver Cromwell (25 tháng 4 năm 1599 - 3 tháng 9 năm 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò ...
-
Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain ; 30 tháng 11, 1835 – 21 tháng 4, 1910) là một nhà văn khôi ...
-
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899 - 2 tháng 7, 1961; phát âm: Ơr-nist Mil-lơr Hêm-ing-wê ) là một tiểu thuyết gia ngườ...
-
Franz Kafka (3 tháng 7 năm 1883 - 3 tháng 6 năm 1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, đ...
-
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI Socrates ( 470 – 399 TCN ) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại (Người Athens), ông được coi là một trong ...
-
Voltaire - Nhà văn, Sử gia, Triết gia Pháp thời Khai sáng François-Marie Arouet (21 tháng 11 năm 1694 – 30 tháng 5 năm 1778), được...
-
CUỐN SÁCH VỀ 45 ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ, TỪ GEORGE WASHINGTON ĐẾN DONALD TRUMP, TÁI BẢN NHÂN CUỘC BẦU CỬ NĂM NAY. Sách xuất bản lần đầu năm 1980, ...
DANH MỤC
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia