Nguyễn Tường Tam – Nhà văn với bút danh Nhất Linh, chính khách nổi tiếng Việt Nam trong thế ký 20
Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm, và từng là Chủ bút tờ
tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Về sau, ông còn là người sáng lập Đại Việt Dân
chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân
chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng) và giữ
chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Thân thế
Ông sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng,
tỉnh Hải Dương. Nguyên quán của ông là làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng
Nam.
Ông nội Nguyễn Tường Tam là Nguyễn Tường
Tiếp, làm tri huyện Cẩm Giàng, gọi là Huyện Giám, rồi về hưu tại đây. Cụ có người
con trai duy nhất là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm Thông phán, nên được gọi
là Thông Nhu, hay Phán Nhu. Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi. Ông lập gia
đình với bà Lê Thị Sâm, và có được 7 người con, trong đó có 6 con trai và 1 con
gái:
Nguyễn Tường Cẩm, kỹ sư canh nông
Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh
Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo
Nguyễn Thị Thế
Nguyễn Tường Lân, tức nhà văn Thạch Lam
Nguyễn Tường Bách, bác sĩ.
Gia đình Nguyễn Tường Tam sống ở Cẩm
Giàng, một huyện nhỏ. Cha ông mất sớm, cả nhà lâm vào cảnh khó khăn. Từ bé, anh
em Nguyễn Tường Tam đã tiếp xúc với những người nông dân nghèo khổ, điều đó ảnh
hưởng đến văn học của Nhất Linh và Thạch Lam sau này.
Cuộc đời và sự nghiệp
Thời niên thiếu
Thuở nhỏ, Nguyễn Tường Tam theo học
tiểu học ở Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi ở Hà Nội. Năm 16 tuổi, Nguyễn
Tường Tam làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi ông có bài
"Bình Luận Văn Chương về Truyện Kiều" trên Nam Phong tạp chí .
Cuối năm 1923 ông đậu bằng Cao tiểu.
Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên ông làm thư ký ở sở tài chính
Hà Nội. Ông làm quen với Tú Mỡ và viết cho tờ Nho Phong. Thời gian đó, ông lập
gia đình với bà Phạm Thị Nguyên.
Năm 1927, Nguyễn Tường Tam sang Pháp
du học. Ở nơi ấy, ông vừa học khoa học, vừa nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất
bản. Năm 1930, ông đậu bằng Cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) và trở về nước
trong năm đó.
Hoạt động văn chương
Trở về nước, Nguyễn Tường Tam xin ra
tờ báo trào phúng "Tiếng cười", nhưng lần nào hỏi thăm đều nghe Sở
Báo chí của Phủ Thống sứ bảo rằng "chờ xét". Trong thời gian chờ đợi
giấy phép ra báo, ông xin dạy học tại trường tư thục Thăng Long. Ở đó ông quen
biết với thầy giáo dạy Việt văn là Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng).
Năm 1932, Nguyễn Tường Tam mua lại tờ
tuần báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, và trở thành Giám đốc
kể từ số 14, ra ngày 22 tháng 9 năm 1932. Ông chủ trương dùng tiếng cười trào
phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào "Âu hóa", đề cao chủ
nghĩa cá nhân… Trong năm ấy, ông và các cộng sự quyết định thành lập Tự Lực văn
đoàn trên nguyên tắc "dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà. Tổ
chức không quá 10 người để không phải xin phép Nhà nước, chỉ nêu ra trong nội bộ
mục đích tôn chỉ, anh em tự nguyện tự giác noi theo". Về sau, tính chuyện
lâu dài, văn đoàn này mới chính thức tuyên bố thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1934
(báo Phong Hóa số 87).
Hoạt động chính trị
Năm 1938, Nguyễn Tường Tam thành lập
Đảng Hưng Việt, rồi đổi tên là Đại Việt Dân chính Đảng năm 1939 mà ông làm Tổng
Thư ký. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.
Năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn
Gia Trí bị thực dân Pháp bắt và đày lên Sơn La, đến năm 1943 mới được thả.
Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày
Nay. Tháng 9 năm ấy, báo Ngày Nay bị đóng cửa sau khi ra số 224.
Năm 1942 Nhất Linh chạy sang Quảng
Châu. Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao. Đại Việt Dân chính Đảng thì đã gần
như tan rã. Trong thời gian từ 1942 đến 1944, ông học Anh Văn và Hán văn.
Tại Quảng Châu và Liễu Châu ông gặp
Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra. Nguyễn Tường Tam cũng bị giam bốn
tháng ở Liễu Châu, được Nguyễn Hải Thần bảo lãnh mới được Trương Phát Khuê thả
ra. Nguyễn Tường Tam hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, rồi về
Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân đảng, tá túc với Vũ Hồng
Khanh. Tháng 3 năm 1944, tại Liễu Châu, Nguyễn Tường Tam được bầu làm ủy viên dự
khuyết Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, tức Việt
Cách.
Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về
Hà Giang cùng quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Giai
đoạn này đã được phản ánh trong tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thủy. Theo lệnh của
Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay, với Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn
Gia Trí và Nguyễn Tường Bách, lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và
trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh, Đại
Việt Dân chính đảng sáp nhập với Việt Nam Quốc dân đảng, đồng thời Việt Nam Quốc
dân Đảng liên minh với Đại Việt Quốc dân Đảng. Nguyễn Tường Tam làm Bí thư Trưởng
của Việt Nam Quốc dân Đảng. Cuối năm 1945, Đại Việt Quốc dân Đảng và Việt Nam
Quốc dân Đảng thành lập Mặt trận Quốc dân Đảng.
Sau khi quân Tưởng vào Việt Nam, đầu
năm 1946 Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xuất bản báo Việt Nam. Tháng 3 năm 1946, sau khi đàm
phán với chính phủ, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp
Kháng chiến.
Ông cũng tham gia Quốc hội khóa I đặc
cách không qua bầu cử.
Nguyễn Tường Tam được cử làm Trưởng
đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán với Pháp, mặc dù trên thực tế
Võ Nguyên Giáp là người lãnh đạo phái đoàn. Theo đại tướng Võ Nguyên Giáp, do bất
đồng Tam đã không tham gia hầu hết các phiên họp còn theo David G. Marr Tam là
người phát ngôn có năng lực và giúp giải quyết một số tranh cãi về chiến thuật
đàm phán trong đoàn. Ông được cử đứng đầu Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị
Fontainebleau nhưng cáo bệnh không đi mà rời bỏ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến,
lưu vong sang Trung Quốc tháng 5 năm 1946 và ở lại Hồng Kông cho tới 1951.
Sau đó xảy ra sự kiện vụ án phố Ôn
Như Hầu, lực lượng công an khám xét các của cơ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng và
Đại Việt Quốc dân Đảng, bắt giữ nhiều đảng viên hai đảng này, và tịch thu được
nhiều vũ khí truyền đơn khẩu hiệu chống chính quyền. Khi Nguyễn Tường Tam rời bỏ
chính phủ, chính phủ đã tuyên bố ông đào nhiệm và biển thủ công quỹ, tiền chi
phí cho phái đoàn sang Pháp đàm phán. Tuy nhiên, theo sử gia David G. Marr, việc
biển thủ công quỹ này khó xảy ra, vì ông khó lòng được giao trách nhiệm giữ tiền
của phái đoàn.
Năm 1947, Nguyễn Tường Tam cùng Trần
Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Hải Thần, Lưu Đức Trung thành
lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp ủng hộ giải pháp Bảo Đại thành lập
Quốc gia Việt Nam, chống cả Việt Minh lẫn Pháp, nhưng đến năm 1950 thì mặt trận
này giải thể.
Năm 1951, ông từ Hồng Kông về nước, mở
nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực văn đoàn, và tuyên bố không
tham gia các hoạt động chính trị nữa. Năm 1953, Nguyễn Tường Tam lên sống tại
Đà Lạt. Tuy nhiên trong Quốc dân Đảng vẫn tồn tại phái Nguyễn Tường Tam, cạnh
tranh với hai phái khác.
Năm 1958, ông rời Đà Lạt về Sài Gòn,
ông mở giai phẩm Văn hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản.
Năm 1960 ông thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại
tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị
chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.
"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và
xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về
tay Cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự
thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do."
Gia đình
Vợ ông là bà Phạm Thị Nguyên
(1909-1981), quê làng Phượng Dực, Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại
thành Hà Nội). Tuy là người Tây học, nhưng cuộc hôn nhân này do cha mẹ ông quyết
định. Vợ ông trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà Nội mang tên
Cẩm Lợi ở số 15 phố Hàng Bè. Bà mất tại Pháp ngày 6 tháng 5 năm 1981.
Ông và bà Phạm Thị Nguyên có bảy người
con, gồm năm con trai (Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch,
Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Thái) và hai con gái (Nguyễn Kim Thư, Nguyễn
Kim Thoa).
Nơi an nghỉ
Đêm 7 tháng 7 năm 1963, Nhất Linh đã
quyên sinh bằng rượu pha thuốc độc. Theo lệnh của nhà cầm quyền lúc bấy giờ,
gia đình phải chôn ông gấp tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp, không cho đợi
người con cả của ông ở Pháp về dự lễ tang.
Năm 1975, Nguyễn Tường Thạch (con
trai Nhất Linh) đã hỏa thiêu di cốt của cha, rồi gửi bình tro tại chùa Kim
Cương, đường Trần Quang Diệu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1981, vợ ông
sang Pháp đoàn tụ với các con, rồi qua đời và an táng tại đó. Năm 2001, các con
của ông quyết định đưa di cốt của cha mẹ và của chị gái lớn là Nguyễn Kim Thư về
trong khu mộ của dòng họ Nguyễn Tường tại Hội An (Quảng Nam).
Tác phẩm
Tiểu thuyết
Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng, 1934), 13 chương
Đời mưa gió (cùng Khái Hưng, 1934), 3 chương
Nắng thu (1934)
Đoạn tuyệt (1934-1935), 28 chương
Lạnh lùng (1935-1936), 7 chương
Đôi bạn (1936-1937), 19 chương
Bướm trắng (1938-1939), 9 chương
Con đường sáng (cùng Hoàng Đạo, 1940), 19 chương
Xóm cầu mới (1949-1957), trường thiên, viết dở dang, 24 chương
Giòng sông Thanh Thủy (1960-1961). Trường thiên, tác phẩm cuối cùng, gồm
ba tập:
Ba người bộ hành (1960), 13 chương
Chi bộ hai người (1960), 13 chương
Vọng quốc (1961), 12 chương
Tập truyện
Nho phong (1924)
Người quay tơ (1926), 11 truyện
Anh phải sống (cùng Khái Hưng, 1932 - 1933), 13 truyện
Đi Tây (1935)
Tối tăm (1936)
Hai buổi chiều vàng (1934-1937), 6 truyện
Thế rồi một buổi chiều (1934-1937)
Thương chồng (1961), 6 truyện
Những ngày diễm áo (1973)
Tiểu luận
Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961), 5 bài
Dịch phẩm
Đỉnh gió hú của Emily Bronte (đăng
báo 1960, xuất bản 1974)
Di cảo
Đời làm báo
Hội họa
Mặc dầu thời gian theo học Trường Mỹ thuật không lâu, Nhất Linh cũng đã để
lại một số tranh vẽ trong đó có bức Scène de Marché de rue Indochinois (Cảnh Phố
Chợ Đông Dương) vẽ trên lụa thực hiện khoảng 1926-1929. Bức tranh này năm 2010
được hãng Sotheby's bán đấu giá ở Hương Cảng với giá 596.000 Đô la Hồng Kông,
tương đương với 75.000 Mỹ kim.
Nguồn WIKIPEDIA