12 tháng 10 2011
TRẦN
THÁNH TÔNG – VUA VIỆT NAM – HOÀNG ĐẾ ĐẠI VIỆT
Trần
Thánh Tông – Thông tin chung:
Trị
vì: 30 tháng 3 năm 1258 – 8 tháng 11 năm 1278; 20 năm, 223 ngày
Tiền
nhiệm: Trần Thái Tông
Thái
thượng Hoàng: Trần Thái Tông
Kế
nhiệm: Trần Nhân Tông
Hoàng
hậu: Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu
Hậu
duệ: Trần Hoảng / Trần Uy Hoảng / Trần Quang Bính / Trần Nhật Huyên
Niên
hiệu: Thiệu Long (1258-72) / Bảo Phù (1273-78)
Thụy
hiệu: Huyền Công Thịnh Đức Nhân Minh Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng đế
Miếu
hiệu: Thánh Tông
Triều
đại: Hoàng triều Trần
Thân
phụ: Trần Thái Tông
Thân
mẫu: Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu
Sinh:
12 tháng 10 năm 1240, Thăng Long, Đại Việt
Mất:
3 tháng 7, 1290 (49 tuổi), Cung Nhân Thọ, Thăng Long, Đại Việt
An
táng: Dụ Lăng, phủ Long Hưng, Đại Việt
Tôn
giáo: Phật giáo Đại thừa
Trần Thánh Tông (chữ
Hán: 陳聖宗
12 tháng 10 năm 1240 – 3 tháng 7 năm 1290) tên húy Trần Hoảng (陳晃) là vị hoàng đế thứ
hai của Hoàng triều Trần nước Đại Việt, ở ngôi từ ngày 30 tháng 3 năm 1258 đến
ngày 8 tháng 11 năm 1278. Sau đó ông làm Thái thượng hoàng từ cuối năm 1278 cho
đến khi qua đời năm 1290. Ông thường được sử sách mô tả là một hoàng đế tài giỏi,
giữ vững được cơ nghiệp của triều đại và nền độc lập của quốc gia.
Trần Hoảng là con đích
trưởng của Trần Thái Tông, đã góp phần chỉ huy quân đội đẩy lùi cuộc xâm lược của
người Mông Cổ năm 1258. Không lâu sau kháng chiến thắng lợi, Hoàng đế Thái Tông
nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, tức Hoàng đế Thánh Tông. Trong thời kỳ cầm quyền
của mình, Trần Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện nền hành
chính, giáo dục, kinh tế, bảo trợ Phật giáo, trọng dụng quan viên, tướng lĩnh
có tài và duy trì sự hòa hợp, kỷ cương trong triều đình.vVề đối ngoại, Trần
Thánh Tông phải đương đầu với tham vọng bành trướng của đế quốc Nguyên – Mông
cường thịnh ở phương Bắc. Ông đã thực thi một chính sách ngoại giao mềm mỏng, cống
nạp Nhà Nguyên 3 năm 1 lần, nhưng cự tuyệt mọi yêu sách của vua Nguyên đòi ông
cống người, cống voi, đích thân sang chầu, gửi quân giúp tỉnh Vân Nam, nộp sổ
sách dân số,... Ngoài ra ông tích cực chỉnh đốn quân đội, tổ chức tuần tra biên
giới để đề phòng sự xâm lược của người Nguyên.
Sau khi Thượng hoàng
Thái Tông mất, tháng 11 năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần
Khâm, tức Hoàng đế Trần Nhân Tông, và được tôn làm Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái
Thượng Hoàng Đế. Trước bối cảnh người Nguyên đã tiêu diệt Nam Tống và chuẩn bị
chinh phạt Đại Việt, hai vua Trần ra sức đoàn kết lòng dân, kén tướng rèn quân
và xây dựng quan hệ tích cực với Chiêm Thành ở phía Nam. Cùng Hoàng đế Nhân
Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương, Thượng hoàng Thánh Tông đã lãnh đạo
quân dân Đại Việt kháng chiến đánh bại hai cuộc xâm lược của Nguyên-Mông năm
1285 và 1287. Ông cũng là một nhà văn hóa, nhà Thiền học, từng tu tập ở chùa Tư
Phúc (Thăng Long), thường hay sáng tác thơ ca hoặc những bài kệ về thiền, một số
tác phẩm như Di hậu lục ("Chép để lại cho đời sau"), Thiền tông liễu
ngộ ("Bài ca giác ngộ Thiền tông"), Trần Thánh Tông thi tập ("Tập
thơ Trần Thánh Tông"),... nhưng hầu hết đều đã thất lạc, chỉ còn lưu lại 6
bài thơ chép rải rác trong Việt âm thi tập và Đại Việt sử ký toàn thư.
THÂN
THẾ
Trần Thánh Tông tên thật
là Trần Hoảng, sử Trung Quốc ghi nhận tên Trần Uy Hoảng, Trần Quang Bính hay Trần
Nhật Huyên, sinh ngày 25 tháng 9 âm lịch năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 (tức
ngày 12 tháng 10 năm 1240), tại Thăng Long, Đại Việt (nay là Hà Nội, Việt Nam).
Ông là con thứ hai, nhưng mà là con trưởng dòng đích của Trần Thái Tông – vị
vua đầu tiên của Hoàng triều Trần. Mẹ ông là Thuận Thiên Hoàng hậu Lý Oanh,
nguyên là con gái Lý Huệ Tông – vua áp chót của triều Lý. Theo bộ Đại Việt sử
ký toàn thư (do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1479 thời vua Lê Thánh Tông
nhà Hậu Lê), trước khi Hoàng hậu Thuận Thiên mang thai Trần Hoảng, Thái Tông nằm
mơ thấy Thượng đế trao tặng bà một thanh gươm báu.
Ngay sau khi sinh ra,
Trần Hoảng đã được sách phong làm Đông cung Thái tử. Sách An Nam chí lược (do
quan nhà Nguyên (Trung Quốc) gốc Việt là Lê Tắc soạn năm 1307) có mô tả ngoại
hình của ông: “dáng người hòa nhã khôi ngô có nhã lượng”. Còn quyển Thánh đăng
ngữ lực (một tác phẩm khuyết danh về sự nghiệp tu Phật của 5 vua đầu thời Trần,
được viết vào khoảng thế kỷ XIV) diễn tả về ông rằng: "Thánh Tông... bản
chất hiền tài, toát ra ngoài sáng ngời, xử sự dứt khoát", không chỉ làu
thông kinh sử Nho gia mà còn hiểu sâu giáo pháp nhà Phật. Ông có nhiều em trai,
nổi bật nhất là Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải (Tể tướng đầu triều qua 3
đời vua Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông), Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (một
tướng lĩnh, nhà ngoại giao lớn, làm Tể tướng thời Anh Tông, Minh Tông, Hiến
Tông) và Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc (một người học rộng, nhưng sau phản lại
Thánh Tông trong chiến tranh với Nguyên – Mông).
Năm 1258, Hoàng thái tử
Trần Hoảng tham gia cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Thoạt tiên
quân Mông Cổ chiếm được kinh sư, nhà vua, thái tử cùng hoàng gia được Linh Từ
Quốc mẫu Trần Thị Dung giúp đỡ đã sơ tán an toàn về sông Thiên Mạc (nay thuộc
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Quân Mông Cổ ở Thăng Long gặp nhiều khó khăn
do thiếu lương thực trầm trọng. Mông Cổ phải chia quân đi cướp bóc ở vùng ngoại
vi và phụ cận, nhưng bị dân chúng chặn đánh quyết liệt. Trong khi đó quân đội Đại
Việt đã hồi sức. Ngày 28 tháng 1, vua Thái Tông và Thái tử Hoảng ngự lâu thuyền
chỉ huy cuộc phản kích vào Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ, lấy lại Thăng
Long. Quân Mông Cổ chạy dài về Vân Nam, dọc đường còn bị thổ quan Hà Bổng chặn
đánh. Cuộc kháng chiến kết thúc, vua Thái Tông định công phong thưởng các tướng,
Thái tử Hoảng xin trị tội Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà, người có biểu hiện bất trung
trong cuộc rút lui về sông Thiên Mạc, nhưng nhà vua tha chết, chỉ giáng chức.
TRỊ
VÌ
Ngày 24 tháng 2 niên hiệu
Nguyên Phong thứ 8 (tức ngày 30 tháng 3 năm 1258), Trần Thái Tông nhường ngôi
cho Thái tử Trần Hoảng và lui về Bắc cung làm Thái thượng hoàng. Mục đích của
Thái Tông là để Trần Hoàng làm quen với việc nước, đồng thời tránh xung đột
tranh ngôi giữa các hoàng tử. Sử quan Nhà Lê Ngô Sĩ Liên nhận xét:
“Từ
khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, anh chết em thay, đã thành
phép thường mãi mãi.
Gia
pháp họ Trần lại khác thế: con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở
cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền
ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng
quyết định. Vua kế vị không khác gì Hoàng thái tử cả. Như vậy thì có hợp đạo
không?
Có
lẽ là lấy nghĩa quẻ Càn lui ở phương tây bắc và quẻ Chấn tiến ra phương đông.
Nhưng chưa đến lúc già nua thì không được lười mỏi. Sao bằng cứ truyền nối như
Tam Vương để đúng lẽ thủy chung là hơn cả. Mạnh Tử nói: "Theo phép của
Tiên Vương mà lỗi lầm thì chưa bao giờ có thế”.
— Đại Việt Sử ký Toàn
thư – Kỷ Nhà Trần – Thái Tông Hoàng đế
Thái tử lên ngôi Hoàng
đế, xưng làm Nhân Hoàng và được bầy tôi tặng tôn hiệu Hiến Thiên Thể Đạo Đại
Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Sử sách gọi ông là Trần Thánh Tông. Tháng 8 âm lịch
năm 1258, Hoàng đế lập con gái thứ năm của cố An Sinh vương Trần Liễu (anh Trần
Thái Tông) làm Thiên Cảm Phu nhân, ít lâu sau phong bà làm Thiên Cảm Hoàng hậu.
Trong 21 năm trị quốc,
Trần Thánh Tông dùng niên hiệu Thiệu Long từ năm 1258 đến 1273 và Bảo Phù từ
năm 1273 đến 1278. Ông đã ban hành nhiều chính sách về hành chính, kinh tế,
giáo dục, quốc phòng, ngoại giao nhằm củng cố thực lực của Đại Việt. Ông còn nổi
tiếng là một hoàng đế đức độ, hòa ái đối với mọi người từ trong ra ngoài. Sách
Đại Việt Sử ký Toàn thư kể ông thường nói với các tôn thất rằng:
“Thiên
hạ này là thiên hạ của tổ tông, người nối cơ nghiệp tổ tông nên cùng anh em
trong tôn thất cùng hưởng phú quý. Dầu rằng cả thiên hạ cùng phụng thờ một người
đó là sự tôn kính điển thường theo về danh phận, nhưng anh em là xương thịt rất
thân, gặp lúc lo thì cùng lo, gặp lúc vui thì cùng vui. Trẫm với các khanh, nói
về tình thân cũng như thân thể một người không thể chia cắt được. Các khanh nên
đem lời nói này của trẫm truyền bá cho”.
— Trần Thánh Tông
Sau mỗi buổi thiết triều,
Hoàng đế cho phép các vương hầu, tôn thất vào nội cung ăn uống nô đùa mà không
phân tôn ti trật tự. Các hoàng thân trong nội điện thường ăn chung một cỗ và
cùng ngủ chung một giường, một chăn với nhau, chỉ lúc nào có việc công, hay buổi
chầu, thì mới phân thứ tự theo lẽ phép.
ĐỐI
NỘI
Về hành chính, tháng 2
âm lịch năm 1262, Trần Thánh Tông nâng cấp hương Tức Mặc – đất phát tích của
Hoàng triều – thành phủ Thiên Trường. Ông cho lập cung Trùng Quang, cung Trùng
Hoa và chùa Phổ Minh ở hướng tây cung Trùng Quang. Cung Trùng Quang được chọn
làm nơi Thượng hoàng ở, còn cung Trùng Hoa là nơi Hoàng đế trú khi về thăm Thượng
hoàng. Vua Thánh Tông còn đặt ra chức quan lưu thủ cai quản phủ Thiên Trường.
Tháng 3 âm lịch năm
1265, Trần Thánh Tông đổi tên Ty Bình bạc (cơ quan quản lý hành chính ở kinh đô
Thăng Long) thành Đại An phủ sứ. Nhà vua tuyển chọn quan Đại An phủ sứ theo một
quy trình nghiêm ngặt, được Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại như sau: “Theo chế
độ trước, An phủ sứ qua trị nhậm các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ
phủ Thiên Trường, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi
mới được làm An phủ sứ Kinh sư”.
Tháng 3 âm lịch năm
1267, Trần Thánh Tông ban hành hệ thống “kim chi ngọc diệp” quy định việc phong
ấm cho con cháu vương hầu, công chúa: theo đó, cháu 3 đời của vương hầu, công
chúa sẽ được nhận tước hầu hoặc quận vương, cháu 4 đời tước minh tự, cháu 5 đời
tước thượng phẩm, chi tiết tước phong tùy thuộc vào hạng trong "ngũ phục",
tức 5 hạng tang phục dựa trên quan hệ huyết thống.
Tháng 4 âm lịch năm
1267, vua Trần Thánh Tông lập ra các chức Hàn lâm viện Học sĩ (chức quan giám
sát việc biên soạn các văn bản chiếu lệnh, sắc dụ của vua) và Trung thư sảnh
Trung thư lệnh (cố vấn cho hoàng đế về triều chính). Ông chọn hai văn thần Nho
học là Đặng Kế làm Hàn lâm viện Học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư
lệnh. Theo sĩ phu đời Nguyễn Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại
chí, buổi đầu thời Trần, triều đình chỉ dùng các hoạn quan như Phạm Ứng Mộng,
Lê Tông Giáo,... làm chức Hành khiển, chứ không hề dùng Nho sĩ. Cho nên việc
vua Thánh Tông dùng Đỗ Quốc Tá là dấu hiệu giới Nho gia bắt đầu có ảnh hưởng mạnh
vào bộ máy nhà nước.
Cũng trong năm 1267, Trần
Thánh Tông chia cơ quan Hành khiển làm hai ty (đều đặt tại kinh sư), gồm Hành
khiển tả hữu ty trong cung Thánh Từ (cung riêng của Thượng hoàng) và Hành khiển
ty trong cung Quan Triều (nơi ở riêng của Hoàng đế). Cả hai ty được gọi chung
là Nội mật viện. Tháng 11 âm lịch năm 1273, Hoàng đế Thánh Tông lại đặt chức Nhập
nội phán đại tông chính phủ đại tông chính (chuyên lo việc tôn thất), giao cho
Nhân Túc vương Toản nắm chức này. Cuối năm 1274, nhà vua đặt thêm các chức Trừ
cung giáo thụ (chức quan dạy học cho Thái tử) và Nhập thị học sĩ.
Trần Thánh Tông còn chú
trọng đến giáo dục và khoa cử. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận rằng vào tháng
10 âm lịch năm 1272, hoàng đế đã "xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức,
thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám" (tức Hiệu trưởng trường Quốc
tử giám). Ngoài ra, Trần Thánh Tông khuyến khích em là Chiêu Quốc vương Ích Tắc
(một người nổi tiếng học giỏi, biết nhiều) mở trường dạy học văn sĩ. Theo sử
cũ, trường này đã đào tạo được nhiều người có ích cho đất nước, tiêu biểu là Mạc
Đĩnh Chi – Trạng nguyên khoa thi năm 1304 đời Trần Anh Tông.
Vua Thánh Tông đã hai lần
mở khoa thi Thái học sinh để chọn người tài giúp nước. Khoa thi thứ nhất (tháng
3 âm lịch năm 1266) lấy được 50 người trúng tuyển, gồm Trần Cố đậu Kinh Trạng nguyên
(người ở các vùng từ Ninh Bình trở ra), Bạch Liêu đậu Trại Trạng nguyên (Trạng
nguyên ở hai châu Hoan, Ái), một người không rõ tên đậu Bảng nhãn, Hạ Nghi đậu
Thám hoa lang và 47 tiến sĩ. Đến khoa thi thứ hai (tháng 3 âm lịch năm 1275),
các chức danh Kinh và Trại Trạng nguyên đã được hợp lại làm một. Kỳ thi này lấy
được 3 người đỗ Tam khôi (Trạng nguyên Đào Tiêu, Thám hoa lang Quách Nhẫn, những
bộ sử hiện có không nêu được tên Bảng nhãn) và 27 Thái học sinh xuất thân từ
nhiều tầng lớp khác nhau. Thánh Tông cũng tổ chức thi lại viên với 2 môn toán
và viết để tuyển dụng thư lại phụ việc cho các cơ quan tế tự, thái y và hành
chính thái y.
Trần Thánh Tông còn cho
Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu tiếp tục biên soạn sách
Đại Việt sử ký. Lê Văn Hưu đã làm được bộ sử sách gồm 30 quyển, chép từ đời Triệu
Vũ vương đến Lý Chiêu Hoàng. Việc biên tập bộ sử này được khởi đầu từ đời vua
Thái Tông, đến năm Nhâm Thân (1272) đời Thánh Tông mới xong.
Về kinh tế, Trần Thánh
Tông tiếp tục chủ trương trọng nông. Tháng 10 âm lịch năm 1266, ông cho phép
vương hầu, cung phi, phò mã họp các dân nghèo để khẩn hoang, nhằm mở rộng diện
tích canh tác. Kể từ đây, vương hầu bắt đầu sở hữu điền trang.
Nhà vua cũng quan tâm đến
việc nâng cao thực lực quốc phòng của Đại Việt. Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại
rằng đầu năm 1261, Thánh Tông vừa lên ngôi đã ra lệnh "chọn đinh tráng các
lộ làm lính, còn thì sung làm sắc dịch các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong
các phủ, lộ, huyện". Đến tháng 3 âm lịch năm 1262, ông xuống chiếu dụ quan
quân chế tạo khí giới và đúc chiến thuyền; đồng thời, ông tổ chức tập trận cho
lục quân và thủy quân tại chín bãi phù sa dọc theo sông Bạch Hạc (nay thuộc Việt
Trì, Phú Thọ). Sau đó, tháng 8 âm lịch năm 1267, Trần Thánh Tông chia quân đội
làm nhiều "quân", mỗi quân được hợp thành từ 30 "đô" (một
đô gồm 80 lính). Ông còn chọn những tướng lĩnh tài ba như Lê Phụ Trần làm Thủy
quân Đại tướng quân (1259) và Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải – em ruột
hoàng đế – làm Thái úy (1262), rồi Tướng quốc Thái úy (1271). Ngoài ra, vào
tháng 9 âm lịch năm 1262, nhà vua truyền lệnh xem xét tình trạng của tù nhân.
Phần lớn tội phạm đều được ân xá, riêng những người đã đầu hàng quân Mông Cổ
trong cuộc chiến tranh năm 1258 thì bị trừng trị thẳng tay.
Mùa xuân năm 1277, người
Man, Lào nổi dậy ở động Nẫm Bà La (phủ Bố Chính - nay là Quảng Bình). Hoàng đế
Trần Thánh Tông cùng Thái úy Trần Quang Khải đích thân đi đánh dẹp, bắt được
1000 người về kinh sư.
ĐỐI
NGOẠI
Quan
hệ với Nam Tống và Chiêm Thành
Các năm 1258, 1261, Trần
Thánh Tông sai sứ sang cống nạp và báo việc lên ngôi cho Nam Tống. Năm 1262,
ông được Tống Lý Tông phong làm An Nam quốc vương. Theo Tống sử, Lý Tông bản kỷ
ghi chép thì toàn bộ tước hiệu của Trần Thánh Tông được nhà Tống phong là: Tĩnh
Hải quân Tiết độ quan sát xử trí sứ, Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử đại phu, Thượng
trụ quốc, An Nam Quốc vương hiệu Trung thuận hóa công thần. Sau đó Thượng hoàng
Trần Thái Tông, Hoàng đế Trần Thánh Tông vẫn giao hảo với Nam Tống dù Nhà Tống
đã suy yếu trước sự uy hiếp của Mông Cổ. Chính vì vậy, năm 1268 sứ giả Trương
Đình Trân đã đe dọa hai vua:
"Nhà vua vẫn hòa mục
với Tống, tưởng được cứu viện lúc gấp, nay trăm vạn quân đang vây kín Tương
Dương, chim bay cũng không có lối, chỉ sớm tối hạ thành, dồn quân qua sông lật
đổ kinh thành nước ấy dễ như bẻ cành khô, thế mà nhà vua còn dựa vào nơi bờ để,
cậy là môi với răng, tự tôn tự đại. Nếu tâu lên Hoàng đế (Hốt Tất Liệt) oai trời
khẽ động... sẽ biến Vương miếu thành gò hoang, Vương đình thành bãi cỏ chẳng
khó khăn gì...".
Để giữ tình bang giao với
Đại Việt, khi Thánh Tông sai sứ mang đồ cống sang, vua quan Nhà Tống cũng tặng
lại các sản vật của Trung Quốc như chè, đồ sứ, tơ lụa; không những gửi cho hai
vua Trần mà còn tặng cả sứ giả. Việc duy trì quan hệ với Nam Tống ngoài ý nghĩa
giao hảo nước lớn còn nhằm mục đích nắm tình hình phương bắc.
Sau này Nam Tống bị Nhà
Nguyên đánh bại, phải rút vào nơi hiểm yếu, từ đó mới không còn qua lại với Đại
Việt. Nhà Tống mất, nhiều quan lại, binh sĩ, đạo sĩ Tống không thần phục người
Mông đã sang xin nương nhờ Đại Việt. Trong số họ có những người như Trần Trọng
Vy, Tăng Uyên Tử, Triệu Trung,… đã được vua Thánh Tông và các thân vương đối
đãi trọng hậu. Sử sách còn ghi, tháng 10 âm lịch năm 1274, nhiều thương gia người
Tống từ Giang Nam vượt biển sang Đại Việt, đem theo gia quyến và nhiều của cải.
Vua Thánh Tông cho họ lập nghiệp ở phường Nhai Tuân (Thăng Long); tại đây họ đã
mở chợ bán các mặt hàng như vải lụa, thuốc men.
Ở phía Nam, quan hệ Đại
Việt-Chiêm Thành cũng diễn biến tích cực trong thời trị vì của Trần Thánh Tông.
Khi Nhà Trần mới thành lập, Chiêm Thành từng đưa quân sang quấy nhiễu biên giới,
nhưng sau khi bị Trần Thái Tông đánh bại năm 1252, họ đã chính thức thần phục Đại
Việt. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận trong những năm Thánh Tông làm vua,
Chiêm Thành đã 6 lần cử sứ sang dâng cống vật (1262, 1265, 1266, 1267, 1269,
1270). Xu hướng quan hệ tốt đẹp này được duy trì sau năm 1278, khi Trần Thánh
Tông đã nhường ngôi cho Trần Nhân Tông và lên làm Thái thượng hoàng.
Quan
hệ với Nguyên Mông
Người Mông Cổ tuy đã thất
bại trong cuộc chiến năm 1258 nhưng vẫn chưa bỏ mộng thôn tính Đại Việt. Tuy
nhiên Mông Cổ đang phải dồn sức chinh phục Nam Tống và đánh dẹp một cuộc nổi dậy
ở phía Bắc, nên họ tạm thời giữ hòa bình với Đại Việt. Ba năm sau khi Trần
Thánh Tông lên ngôi (1260), vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt sai Lang trung Bộ Lễ Mạnh
Giáp, Viên ngoại lang Bộ Lễ Lý Văn Tuấn mang chiếu chỉ sang Đại Việt, cho phép
người nước Nam được duy trì mọi phong tục và lễ nghi truyền thống của mình,
không cần phải thay đổi. Hốt Tất Liệt còn tuyên bố: "Ta đã răn các tướng ở
biên cương không được tự ý dấy binh, xâm phạm biên cảnh của ngươi, làm rối loạn
cho nhân dân ngươi. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy yên ổn làm ăn như cũ".
Sau này, các vua Trần thường trích dẫn tờ chiếu này để bác bỏ các lý lẽ của người
Mông khi họ đòi Đại Việt phải thay đổi nghi thức tiếp sứ (1271), cho Thoát Hoan
mượn đường đánh Chiêm Thành (1284),...
Năm 1261, Trần Thánh
Tông được vua Mông Cổ phong làm An Nam Quốc vương. Đến năm 1262, Mông Cổ yêu cầu
ông phải cống nạp 3 năm 1 lần, mỗi lần đều phải cống nho sĩ, thầy thuốc, thầy
bói và thợ thuyền mỗi hạng ba người, cùng với các sản vật như là sừng tê, ngà
voi, đồi mồi, châu báu… Trong suốt thời gian trị vì của mình, Trần Thánh Tông
duy trì đều đặn việc cống sản vật, nhưng chỉ để lấy lệ (vì thế năm 1275, Hốt Tất
Liệt có gửi chiếu thư trách vua Trần rằng "các đồ cống đều không dùng được"),
và không bao giờ chịu cống người.
Cũng trong năm 1262,
vua Mông Cổ sai Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) sang làm Darughachi (Đạt-lỗ-hoa-xích),
đi lại giám trị các châu quận Đại Việt. Mục đích của Mông Cổ là can thiệp chính
trị, tìm hiểu nhân vật, tài sản Đại Việt để liệu đường mà đánh chiếm. Hai vua
Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông bề ngoài chịu thần phục, nhưng bên trong dốc sức
mở rộng và huấn luyện quân đội. Năm 1263, hai vua cử Thống quốc Thái sư Trần Thủ
Độ đi tuần biên giới Lạng Sơn. Hai vua cũng tạo nhiều khó khăn, cản trợ cho
công việc của Nur-ud Din. Một trong những biện pháp đó là cấm dân cư tiếp xúc với
các thương gia người Hồi, vốn thực chất là nội gián của Nur-ud Din trà trộn vào
xã hội Đại Việt. Chiếu thư của vua Mông Cổ gửi Trần Thánh Tông năm 1267 có đoạn:
“Nay nghe Nur-ud Din ở bên ấy, có nhiều sự thường bị chống báng cấm đoán, không
cho được hội đàm, quả như thế thì có phải lễ nghĩa thân mật trong một nhà đâu!
Nghĩa vua tôi cũng như tình phụ tử, có lẽ gì tôi mà phản vua, con mà phản lại
cha sao? Nếu trẫm không nói ra, thì đãi khanh không có sự thành thật, khanh nên
nghĩ lại cho chín chắn để tròn sự giao hảo trước sau như một".
Tháng 4 năm 1263,
Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) trở về phương Bắc. Đến năm 1266, Trần Thái Tông, Trần
Thánh Tông cử Dương An Dưỡng, Võ Hoàn đi cống nạp sản vật cho Mông Cổ. Thông
qua sứ bộ này, hai vua cũng thuyết phục Mông Cổ cho Nur-ud Din tiếp tục làm
Darughachi ở Đại Việt. Điều này cho thấy Thánh Tông đã làm Nur-ud Din không còn
tác dụng trong việc ép Đại Việt thần phục người Mông Cổ. Mông Cổ sợ Nur-ud-Din
"thông tình" với Nhà Trần, nên không chấp nhận.
Năm 1267, Hốt Tất Liệt
vin vào "thánh chế" của Thành Cát Tư Hãn, xuống chiếu đòi hai vua Trần
phải làm sáu việc: 1) đích thân tới chầu, 2) nộp sổ sách dân số, 3) thu thuế
khóa, 4) gửi người tôn thất làm con tin, 5) chi viện quân cho tỉnh Vân Nam và
6) tiếp tục chịu sự kiểm soát của các Darughachi. Cả sáu điều này Trần Thánh
Tông đều không thực hiện, trừ những lúc phải miễn cưỡng chấp nhận Darughachi do
Mông Cổ sai tới. Ông viện cớ: "có kẻ thù là nước Chiêm Thành quấy rối nên
không thể trợ binh (cho Mông Cổ])" dù rằng Chiêm Thành đang thần phục và
thường triều cống Đại Việt.
Cuối năm 1268, Hốt Tất
Liệt sai Qurung Qaya (Hốt Lung Hải Nha) sang làm Darugachi, cùng phó sứ Trương
Đình Trân (người Hán) trách Trần Thánh Tông cống nạp trễ nải, lại bắt ông cống
nạp voi và thương gia người Hồi (thực ra là tình báo của Mông Cổ ở Đại Việt).
Vào Thăng Long, Trương Đình Trân yêu cầu Trần Thánh Tông lạy trước chiếu thư của
Hốt Tất Liệt và đối đãi với Đình Trân như một vương tước ngang hàng, song vua
Trần thẳng thừng bác bỏ: "Thánh thiên tử thương tôi nhưng sứ giả đến nhiều
người vô lễ. Ông là quan triều liệt, còn tôi là vua, mà cùng ngang lễ với nhau,
tự cổ chí kim có điều đó không?". Theo Nguyên sử, Thánh Tông còn sai thị vệ
rút gươm bao vây Trương Đình Trân, rồi giam lỏng vào một nơi và cấm sử dụng nước
giếng của kinh thành, chỉ cho uống nước đục của sông. Trương Đình Trân đành phải
nhượng bộ. Với các yêu sách của hai sứ Mông Cổ, vua Thánh Tông cũng khước từ,
viện cớ rằng "nhà buôn Hồi Hột tên là Y Ôn đã chết từ lâu; một người
khác là Bà Bà, khi tìm cũng đã ốm chết" và "...loại thú này thân mình
rất lớn, đi lại chậm chạp, không như ngựa của thượng quốc. Xin đợi sắc chỉ,
đến lần cống sau sẽ tiến dâng."
Năm 1271, Hốt Tất Liệt
lập ra Nhà Nguyên ở Trung Quốc. Hoàng đế Nhà Nguyên sai sứ đưa chiếu thư dụ Trần
Thánh Tông đến chầu, nhưng ông viện cớ bệnh mà thoái thác. Trung thư sảnh Nhà
Nguyên cũng gửi công văn trách Thánh Tông vì không đối đãi các sứ Nguyên như một
quan chức ngang hàng với mình, và không chịu quỳ khi nghe chiếu của vua Nguyên.
Thánh Tông khước từ với lý do "bản quốc vâng mệnh thiên triều đã phong cho
tước vương, lẽ nào không phải là người mang vương tước? Vậy mà sứ giả phụng
mệnh thiên triều cũng xưng là người mang tước vương, cùng ngang lễ với bản quốc,
e rằng như thế là nhục đến triều đình. Huống hồ nước tôi vâng theo chiếu chỉ
trước đây, cho được giữ nguyên tục cũ, nên hễ nhận chiếu lệnh thì phụng mệnh đặt
yên tại chính điện rồi lui về nhà riêng. Đó vốn là điển lễ cũ của bản quốc".
Đến năm 1273, các sứ Nguyên đi Đại Việt về vẫn báo Hốt Tất Liệt rằng Trần Thánh
Tông khi nhận chiếu vua Nguyên thì "chỉ đứng chắp tay chứ không lạy, tiếp
kiến sứ giả hoặc yến tiệc thì đều ngồi trên sứ giả".
Cùng năm 1271, Hốt Tất
Liệt lại đòi Trần Thánh Tông cống voi, nho sĩ, lang y, thợ giỏi. Ông viết thư
đáp: "Về lời dụ mới rồi nói việc tìm voi, do sợ trái chiếu chỉ trước, nên
loanh quanh chưa dám nói thẳng. Thực ra, duyên do là vì quản tượng không nỡ
xa nhà, nên khó sai họ khởi hành", và tiếp tục phớt lờ việc cống người giỏi.
Năm 1272, vua Nguyên
cho Uriyang đi sứ, lấy cớ tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng
vua Thánh Tông sai quan sang nói rằng: cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết
đâu mà tìm nữa. Uriyang bèn thôi không hỏi nữa. Năm 1275, Hốt Tất Liệt lại ra
chiếu dụ vua Trần sang chầu, làm 6 điều theo "thánh chế" của Mông Cổ.
Thánh Tông không chịu, liền sai sứ sang nói với vua Nguyên rằng:
"...Darugachi chỉ nên đặt ở các vùng man di ngoài biên giới, còn tôi đã được
phong vương, làm phên giậu một phương mà còn đặt Darugachi để giám sát, há
không bị các nước chư hầu cười cho hay sao. Sợ giám sát mà nộp công sao bằng
trong lòng vui phục mà nộp công!.. Tất cả quan lại thiên triều sai đến, xin đổi
làm dẫn tiến sứ để tránh được cái tệ Darugachi...".
Hốt Tất Liệt không cho,
và bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đánh chiếm Đại Việt. Các quan biên giới của
Nguyên được lệnh do thám địa thế Đại Việt. Trần Thánh Tông cũng thăm dò tình
hình phương Bắc, thông qua việc cử Lê Khắc Phục, Lê Văn Túy đi sứ; sai Đào Thế
Long sang Long Châu giả vờ mua thuốc; và cho thủy quân lộ Đông Hải đi tuần dọc
theo biên giới. Sau khi Nhà Nguyên diệt Nam Tống (1279), Đại Việt càng đứng trước
nguy cơ bị xâm lăng từ đế quốc khổng lồ này.
THÁI
THƯỢNG HOÀNG
Năm 1277, Thượng hoàng
Trần Thái Tông mất. Mùa đông ngày 22 tháng Mười âm lịch năm sau (tức 8 tháng 11
năm 1278), Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai là Thái tử Trần Khâm - tức
Hoàng đế Trần Nhân Tông - và lên làm Thái thượng hoàng, với tôn hiệu là Quang
Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế. Thể theo phép tắc triều Trần, Thượng hoàng
tiếp tục cùng Hoàng đế điều hành chính sự. Trong bối cảnh Nguyên-Mông đang từng
bước chuẩn bị tấn công Đại Việt, hai vua Trần đã đề ra các biện pháp khuyến
khích phát triển nông nghiệp, thương mại, đồng thời đảm bảo sự ổn định và đoàn
kết trong nước. Khi thủ lĩnh người dân tộc Trịnh Giác Mật nổi dậy ở Đà Giang
vào đầu năm 1280, hai vua ra lệnh cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi thuyết
phục quân nổi dậy quy hàng. Nhật Duật nhờ giỏi ngoại giao và am hiểu phong tục
dân bản địa nên đã thu phục được Giác Mật mà "không tốn một mũi tên".
Từ năm 1278 đến 1281,
Nhà Nguyên đã ba lần sai Thượng thư Bộ Lễ Sài Thung dụ Trần Nhân Tông đến chầu,
nhưng vua Trần cự tuyệt. Năm 1282, Thượng hoàng cử chú họ là Trần Di Ái thay mặt
vua sang Nguyên. Không thỏa mãn, Nhà Nguyên cử một số quan lại sang giám sát
các địa phương của Đại Việt, nhưng đều bị hai vua Trần trục xuất. Khoảng năm
1281–1282, Hốt Tất Liệt lập Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương và sai Sài Thung
đem 1 nghìn quân hộ tống Di Ái về nước. Hai vua Trần đã sai quân chặn ở biên giới,
đánh tan đội quân hộ tống của Nhà Nguyên và bắt được Di Ái, nhưng vẫn nghênh
đón Sài Thung về Thăng Long. Thất bại trong việc đưa Di Ái về Đại Việt đã khiến
Sài Thung giận dữ đến mức khi "vua [Trần Nhân Tông] sai Quang Khải đến sứ
quán khoản tiếp. Xuân [cách gọi khác của Sài Thung] nằm khểnh không ra, Quang
Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp”. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
phải giả làm tu sĩ Phật giáo người Hán đến bắt chuyện, Sài Thung mới chịu tiếp.
Sau vụ Trần Di Ái, quan
hệ hai bên căng thẳng và đến cuối năm 1282, vua Nguyên một mặt cử nguyên soái
Toa Đô từ Quảng Châu đánh Chiêm Thành, mặt khác sai Trấn Nam vương Thoát Hoan tập
trung 50 vạn quân chuẩn bị "mượn đường đánh Chiêm" (trên thực tế là
tiến công Đại Việt).Hai vua Trần lập tức bắt tay vào việc chuẩn bị tổ chức
kháng chiến. Tháng 10 âm lịch năm 1282, Thánh Tông và Nhân Tông phong Hưng Đạo
vương làm Quốc công Tiết chế – tức tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Đại Việt. Hai
tháng sau, Thượng hoàng mời các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng (Thăng
Long) để bàn kế đánh Nguyên. Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại rằng, khi được
Thượng hoàng hỏi có nên chống lại người Nguyên hay không, các bô lão đã
"cùng nói như từ một miệng: "Đánh!"".
Tháng 12 năm 1282, khi
Toa Đô tấn công Chiêm Thành, hai vua Trần đã gửi 2 vạn quân cùng 500 chiến thuyền
sang trợ chiến cho người Chiêm.
Chiến
tranh Nguyên Mông-Đại Việt (1285)
Ngày 27 tháng 1 năm
1285, Thoát Hoan xua quân tràn sang Đại Việt. Quân phòng thủ biên giới của Nhà
Trần bị đánh bại trong các trận đánh ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược và Chi
Lăng. Hưng Đạo vương lui về giữ bến Vạn Kiếp (nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải
Dương). Đến ngày 11 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem binh thuyền
đánh phá Vạn Kiếp. Quân Đại Việt chống cự quyết liệt, nhưng sau đó rút lui để
tránh thế địch mạnh, thực hiện nghi binh khiến địch mệt mỏi rồi mới phản kích. Đến
ngày 14 tháng 1, Ô Mã Nhi bao vây 10 vạn quân của hai vua Trần tại Bình Than. Một
trận thủy chiến lớn diễn ra và quân Nguyên đã không cản được quân Đại Việt triệt
thoái. Hai vua và Hưng Đạo vương rút đại quân từ Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về
đóng trên sông Hồng gần Thăng Long. Tại đây, hai vua cho tập trung thủy quân và
xây dựng chiến lũy trên bờ nam để cầm chân quân Nguyên, tạo thời giờ cho việc
sơ tán quân dân khỏi kinh thành theo kế vườn không nhà trống.
Ngày 17 tháng 2, quân
hai bên lại giao chiến lớn trên bờ sông Hồng. Người Nguyên thắng thế, nhưng
quân dân Đại Việt đã kịp thời di tản khỏi Thăng Long. Hai vua dẫn đại quân triệt
thoái theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường (Nam Định). Thoát Hoan chiếm
Thăng Long, rồi chia quân làm 2 đường thủy bộ ráo riết truy kích. Hai vua và
Hưng Đạo vương đã tổ chức một số trận đánh chặn tại bãi Đà Mạc và ải Hải Thị,
nhưng thất bại. Sau trận Hải Thị, hai vua lui hẳn về đóng tại Thiên Trường (Nam
Định) và Trường Yên (Ninh Bình).
Tháng 3 năm 1285, cánh
quân Nguyên của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh thốc vào mạn nam Đại Việt. Hai vua
và Hưng Đạo vương sai Trần Quang Khải đón đánh Toa Đô ở Nghệ An. Quân Nguyên
nhanh chóng lấy được Nghệ An và Thanh Hóa, đẩy đại quân của hai vua Trần vào thế
bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Hưng Đạo vương đưa Thánh Tông, Nhân Tông chạy về vùng bờ
biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay. Trong hành trình rút lui, hai vua bị
quân Nguyên đuổi gấp. Khi thấy quân Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường
Yên (Ninh Bình), ngày 7 tháng 4 năm 1285 Thánh Tông và vua con lại vượt biển
vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị đối phương kìm kẹp. Toa Đô đã đưa quân vào
Thanh Hóa truy lùng vua Trần, nhưng không thể tìm ra. Trong thời gian này, nhiều
tôn thất Đại Việt như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng phản
lại hai vua, đầu hàng người Nguyên. Tuy nhiên, quân Nguyên cũng gặp nhiều khó
khăn do thiếu hụt lương thực, không hợp khí hậu và liên tục bị dân binh Đại Việt
đánh phá sau lưng.
Tại Thanh Hóa, hai vua
Trần đã cho chỉnh đốn, tổ chức lại lực lượng. Tháng 3 – 4 âm lịch năm 1285, hai
vua và Trần Quốc Tuấn chia đại quân thành nhiều mũi tổng phản công ra Bắc. Nhiều
người Tống lưu vong đã tham chiến trong cánh quân của Trần Nhật Duật. Để binh
lính không nhầm lẫn giữa quân Tống của Nhật Duật với quân Nguyên, Thánh Tông đã
sai người căn dặn rằng: "Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ
chúng". Dưới sự thống lĩnh của Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quang
Khải, Nguyễn Khoái và nhiều tướng khác, quân Đại Việt đã liên tiếp đánh tan
quân Nguyên ở đồn A Lỗ (nơi gần điểm hợp lưu của sông Luộc với sông Hồng), cửa
Hàm Tử (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương Độ (nay thuộc Thường Tín,
Hà Nội) và giải phóng Thăng Long trong hai tháng 5, 6. Quyển 209 của Nguyên sử
có nhận định:
“Người
Giao chống cự quan quân [Nguyên-Mông], tuy nhiều lần bị bại tan, nhưng binh lực
chuyển thành nhiều thêm. Quan quân khốn khổ, thiếu thốn, chết và bị thương cũng
nhiều. Quân và ngựa Mông Cổ cũng không thi thố được tài năng nên bỏ kinh thành
của họ, qua bờ sông phía Bắc.”
— An Nam truyện –
Nguyên sử
Ngày 7 tháng 6, Thánh
Tông và Nhân Tông thân chinh ra Trường Yên, đánh tan một đơn vị quân Toa Đô.
Quân Nguyên chết hại "nhiều không kể xiết".
Sau chiến thắng Trường
Yên, ngày 24 tháng 6, hai vua tấn công quân chủ lực của Toa Đô tại Tây Kết
(Khoái Châu). Quân hai vua thắng to, chém chết nguyên soái Toa Đô, bắt được hơn
5 vạn quân Nguyên, tịch thu một lượng lớn khí giới. Tổng quản quân Nguyên là Trương
Hiển đầu hàng. Đến nửa đêm, Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa, hai vua thúc
quân truy kích nhưng không bắt được, Ô Mã Nhi dùng thuyền vượt biển thoát thân.
Cùng lúc đó, Hưng Đạo vương và anh là Hưng Ninh vương thực hiện nhiều cuộc tấn công
lớn trên hướng bắc sông Hồng và quét sạch cánh quân Thoát Hoan khỏi Đại Việt.
Chiến
tranh Nguyên Mông-Đại Việt (1288)
Tranh vẽ trận Bạch Đằng
diễn ra vào năm 1288. Tại trận này, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cùng Hoàng
đế Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương lãnh đạo quân Việt đánh
tan thủy quân Nguyên-Mông.
Cuối năm 1286, vua
Nguyên huy động 30 vạn quân và 500 thuyền chiến xâm lược Đại Việt lần thứ ba.
Ngay sau khi nhận tin này, hai vua Trần và Hưng Đạo vương đã đôn đốc vương hầu
chiêu mộ, huấn luyện binh sĩ, đồng thời chế tạo binh khí và tàu thuyền để chuẩn
bị kháng chiến. Tháng 12 năm 1287, quân thủy bộ Nhà Nguyên chia làm 3 đạo tiến
vào Đại Việt. Quân Đại Việt chỉ đánh có tính kìm chân rồi chủ động lui khỏi
biên giới. Thoát Hoan lại tung 2 vạn quân tấn công và chiếm Vạn Kiếp làm căn cứ,
sau đó tiến về Thăng Long.
Hưng Đạo vương giao cho
Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư trấn giữ đường biển. Khánh Dư không ngăn được
thủy quân của Ô Mã Nhi đi qua; Thượng hoàng sai trung sứ bắt Khánh Dư về kinh.
Nhưng Khánh Dư thuyết phục được trung sứ cho khất vài ngày để lập công chuộc tội.
Ngày 2 tháng 2 năm
1288, quân Nguyên mở màn đánh phá Thăng Long. Quân Đại Việt bỏ thành rút lui. Cũng
ngày này, thủy quân Việt do Trần Khánh Dư chỉ huy đã tập kích và tiêu diệt đoàn
thuyền lương của Trương Văn Hổ tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Thánh Tông tha tội trước
của Khánh Dư và nhận định: "Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo
khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết" và ông sai thả tù binh về
trại, để họ đưa tin dữ cho Thoát Hoan. Các đoàn thuyền lương khác của quân
Nguyên cũng không vào được Đại Việt vì bị bão biển, hoặc vì đi lạc tới Chiêm
Thành.
Sau khi Thăng Long thất
thủ, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi truy đuổi Thánh Tông và Nhân Tông. Nhưng hai
vua đã lui xuống hạ lưu sông Hồng rồi theo cửa Giao Thủy đi ra biển vòng lên
Tháp Sơn (Đồ Sơn). Ô Mã Nhi lui quân về Thăng Long. Không tin rằng đoàn thuyền
lương của Văn Hổ đã bị tiêu diệt, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân đi tìm
Văn Hổ. Lúc này hai vua và Hưng Đạo vương đã tập trung quân thủy bộ ở Tháp Sơn.
Khi quân Ô Mã Nhi qua đây, quân Đại Việt tổ chức tập kích ở cửa Văn Úc (ngày 10
tháng 2 năm 1288), và trên biển gần Tháp Sơn, gây nhiều tổn thất cho quân
Nguyên. Ô Mã Nhi bèn dẫn quân trở lại Vạn Kiếp.
Ở Thăng Long mà không
có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Không những thế, quân Đại Việt đã phản công
mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị
cắt đường về Vạn Kiếp. Tình huống này buộc Thoát Hoan rút quân khỏi Thăng Long
quay về Vạn Kiếp. Hai vua Trần ban đầu sai Hưng Ninh vương đến giả vờ hẹn ngày
đầu hàng để địch mất cảnh giác, sau đó mở các cuộc đột kích đêm vào Vạn Kiếp. Cuối
tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan quyết định lui quân khỏi Đại Việt; Ô Mã Nhi được lệnh
dẫn một cánh quân thủy rút về trước. Ngày 9 tháng 4, cánh quân này tiến đến
sông Bạch Đằng và lọt vào trận địa mai phục của đại quân Đại Việt. Dưới sự chỉ
huy trực tiếp của Thánh Tông, Nhân Tông và Hưng Đạo vương, quân Đại Việt đã
tiêu diệt toàn bộ cánh quân thủy của địch. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt các tướng Ô
Mã Nhi và Tích Lệ Cơ nộp cho Thánh Tông. Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả Thượng
hoàng đã sai người đưa hai tướng Nguyên lên thuyền ngự, rồi "cùng ngồi nói
chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ".
Một ngày trước trận Bạch
Đằng, đại quân Nguyên của Thoát Hoan bắt đầu rút từ Vạn Kiếp lên biên giới. Hữu
thừa Nguyên là Trình Bằng Phi chọn những binh sĩ thiện chiến yểm hộ cho Thoát
Hoan chạy về nước. Quân Nguyên về tới ải Nội Bàng (thị trấn Chũ và xã Bình Nội
của Bắc Giang ngày nay) thì bị quân Đại Việt phục kích dữ dội, vạn hộ Nguyên là
Trương Quân phải đem 3000 quân liều chết chiến đấu mới thoát khỏi cửa ải. Qua
được Nội Bàng, Thoát Hoan lại nhận tin trinh sát rằng phía trước có 30 vạn quân
Đại Việt trải dọc suốt 100 dặm mai phục, đành đổi hướng đi qua Đơn Kỷ (khoảng
huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn ngày nay) về Lộc Châu. Tuy nhiên qua đường này,
quân Nguyên vẫn bị quân Đại Việt tập kích. Quân Đại Việt từ trên cao bắn tên độc,
giết các tướng Trương Ngọc và Abaci. Theo Nguyên sử, quân Nguyên lúc đó đã
"thiếu ăn lại mệt vì chiến đấu, tướng tá nhìn nhau thất sắc" nhưng vẫn
phải "cố xông vào mà đánh" và "buộc vết thương lại mà
đánh". Đến ngày 19 tháng 4 năm 1288, quân Nguyên đã bị quét sạch hoàn toàn
khỏi Đại Việt.
Trước khi mất năm 1300,
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khi được Hoàng đế Trần Anh Tông thăm hỏi, ông
đã hồi tưởng lại tinh thần "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp
sức" của thời đại Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông khiến Đại Việt chống chọi
được sự bao vây bốn mặt của Toa Đô, Ô Mã Nhi và "giặc phải bị bắt".
NHỮNG
NĂM CUỐI
Nguyên văn lời kể tội
Trần Ích Tắc và Trần Kiện bằng chữ Hán trong Đại Việt sử kí toàn thư. Tạm dịch
là: Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh
trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng
hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những [kẻ] phản trắc. Chỉ có [kẻ] nào đầu hàng
trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi
đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện
là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai... Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục,
tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý
chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy...
Tháng 4 âm lịch năm
1289, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Hoàng đế Trần Nhân Tông xét công lao các tướng
lĩnh trong chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn được
thăng lên Đại vương, Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn được phong Khai quốc công, Hưng
Nhượng vương Quốc Tảng nhận chức Tiết độ sứ; Nguyễn Khoái được phong tước Liệt
hầu và được cấp hẳn một hương làm thực ấp. Hai vua cũng phong quan tước cho các
tù trưởng người dân tộc có công như Lương Uất và Hà Tất Năng. Sau cuộc phong
thưởng này, khi có người tỏ ra chưa thỏa mãn, Thượng hoàng đã khuyên bảo:
“Nếu
các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù
có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu,
vạn nhất giặc Hồ trở lại và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng
để khuyến khích thiên hạ.”
— Trần Thánh Tông
Khi quân Nguyên tháo chạy,
bỏ lại một tráp công văn. Quân Đại Việt bắt được và phát hiện nhiều giấy tờ của
vương hầu, quan lại tư thông với quân Nguyên. Đình thần muốn mang đối chiếu để
trị tội, nhưng Thượng hoàng Thánh Tông làm theo gương Hán Quang Vũ Đế, cho rằng
trị tội kẻ tiểu nhân cũng vô ích, rồi sai đốt hết đi. Tuy nhiên, những người thật
sự đã đầu hàng Nhà Nguyên đều bị nghiêm trị. Quan lại thì bị xử tử, tịch thu
tài sản hoặc bắt đi đày, còn quân dân thì được tha chết nhưng phải chịu các loại
hình phạt khổ sai như "chở gỗ đá, xây cung điện để chuộc tội", hoặc
phải làm lính hầu, nô tỳ cho vương hầu và tể tướng. Hai vua cũng bắt các vương
hầu, tôn thất đã theo quân Nguyên phải bỏ họ Trần, đổi sang họ Mai. Trần Kiện
tuy đã bị tướng Nguyễn Địa Lô bắn chết (1285) nhưng vẫn bị các văn kiện thời đó
chép là Mai Kiện. Trần Ích Tắc cũng bị loại khỏi tôn thất, nhưng hai vua coi là
"chỗ tình thân cốt nhục" nên "không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi
là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy".
Theo Thánh đăng ngữ lục,
Thượng hoàng về cuối đời đã đi tu tại chùa Tư Phúc, dưới sự hướng dẫn của Quốc
sư Trúc Lâm Đại Đăng. Ông lấy đạo hiệu Vô Nhị Thượng NhâN. Thượng hoàng đã dành
nhiều thời gian cho việc viết sách và đàm đạo với các nhà Thiền học. Một trong
những thiền sư được Thượng hoàng kính trọng là Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức Hưng
Ninh vương Trần Quốc Tung – anh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sách Tuệ Trung
Thượng Sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông biên soạn đã kể Thượng hoàng gọi Tuệ Trung
Thượng Sĩ là "đạo huynh" và thuật lại một cuộc đàm đạo giữa hai người:
“Thái hậu Nguyên Thánh
Thiên Cảm qua đời [năm 1287], nhà vua làm lễ trai tăng ở cung cấm. Nhân lễ khai
đường, vua thỉnh những vị danh đức các nơi, theo thứ lớp mỗi vị thuật bài kệ ngắn
để trình kiến giải. Kết quả thảy đều quến sình ủng nước, chưa có chỗ tỏ ngộ.
Nhà vua lấy quyển tập đưa Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một mạch bài tụng tự thuật
rằng:
"Kiến giải trình kiến giải,
Tợ ấn mắt làm quái.
Ấn mắt làm quái rồi,
Rõ ràng thường tự tại."
Nhà vua đọc xong, liền phê tiếp
theo sau:
"Rõ ràng thường tự tại,
Cũng ấn mắt làm quái.
Thấy quái chẳng thấy quái,
Quái ấy ắt tự hoại."
Thượng Sĩ đọc, thầm nhận đó."
Ngày 25 tháng 5 năm
Trùng Hưng thứ 6 (tức 3 tháng 7 năm 1290), Thượng hoàng Thánh Tông qua đời tại
cung Nhân Thọ, hưởng dương 50 tuổi. Thánh đăng ngữ lục có chép một số chi tiết
về những ngày cuối cùng trong cuộc đời Trần Thánh Tông:
"Vua bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung
gởi thơ đến thăm, vua viết vào cuối trang đáp lại:
"Hơi nóng hừng hực mồ hôi đẫm,
Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo
khô."
(Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
Hà tằng hoán đắc nương sanh khố?)
Đến lúc bệnh nặng, vua
thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối, như có sở đắc điều gì. Chốc lát, vua đòi
bút viết bài kệ:
Sinh như mặc áo
Chết tợ cởi trần
Từ xưa đến nay
Không đường nào khác.
(Sanh như trước sam
Tử như thoát khố
Tự cổ cập kim
Cánh vô dị lộ)
Liền hét, nói: Chữ bát
mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh. Rồi vua đuổi hết kẻ hầu
hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên, thưa: Bệ hạ còn nhớ lời của
ngài Vĩnh Gia chăng?
"Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi
Tất cả Thánh Hiền như điện chớp...
Dẫu cho vòng sắt trên đầu chuyển,
Định tuệ sánh tròn vẫn không mất."
Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi
gõ chiếc gối tụng:
Rành rành thấy, không một vật,
Cũng không người chừ cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.
Xong, ngay chiều hôm đó
sấm gió nổi dậy, thấy một vầng ánh sáng tròn rọi nơi bức vách ngăn, vua liền
băng, hưởng thọ 51 tuổi, nhằm ngày 22 tháng 05 năm Canh Dần (1290)."
Vua Nhân Tông an táng
Thượng hoàng ở Dụ Lăng - phủ Long Hưng (nay là Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình).
Triều đình dâng ông miếu hiệu là Thánh Tông và thụy hiệu là Huyền Công Thịnh Đức
Nhân Minh Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng đế. Ngày nay ở trung tâm thành phố Hà Nội có
phố mang tên Trần Thánh Tông.
TÁC
PHẨM
Tác phẩm thơ, văn của
Trần Thánh Tông bao gồm:
Di
hậu lục (Chép để lại cho đời sau).
Cơ
cầu lục (Chép việc nối dõi nghiệp nhà).
Thiền
tông liễu ngộ (Bài ca giác ngộ Thiền tông).
Phóng
ngưu (Thả trâu).
Chỉ
giá minh (Bài minh về sự cung kính).
Trần
Thánh Tông thi tập (Tập thơ Trần Thánh Tông).
Và một số thư từ ngoại
giao, nhưng tất cả đều đã thất lạc, chỉ còn lại 6 bài thơ được chép trong Việt
âm thi tập (5 bài) và Đại Việt sử ký toàn thư (1 bài).
Theo đánh giá trong cuốn
Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng) do Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ
Văn Hỷ và Trần Tú Châu biên soạn, thơ của Trần Thánh Tông "giàu chất trữ
tình, kết hợp nhuần nhị giữa tinh thần tự hào về đất nước, về dân tộc của người
chiến thắng, với tình yêu cuộc sống yên vui, thanh bình và phong độ ung dung,
phóng khoáng của một người biết tự tin, lạc quan."
Theo Đại Việt Sử ký
Toàn thư, năm 1289, Trần Thánh Tông sáng tác bài thơ Dạo chơi hành cung Thiên
Trường (Hạnh hành cung Thiên Trường), nói lên cảm hứng sau hai lần đánh bại
quân Nguyên (1285 và 1287-1288):
Hạnh Thiên Trường hành cung
Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu thử nhất châu.
Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tịnh,
Kim niên du thắng tích niên du.
Dạo chơi hành cung Thiên Trường
Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười một tiên châu, đây một châu.
Trăm giọng chim ca, trăm bộ sáo,
Ngàn hàng cây quýt ngàn tên nô.
Trăng vô sự soi người vô sự,
Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu.
Bốn biển đã quang, trần đã lặng,
Chuyến đi nay thắng chuyến đi xưa.
Bản dịch của Nhà Xuất bản
Khoa học - Xã hội (1993)
Trong sách Nam Ông mộng
lục (in lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 1442), viên quan Nhà Minh gốc Việt là Hồ
Nguyên Trừng có lời bình luận về bài thơ của Trần Thánh Tông:
“Bài
thơ này được sáng tác có lẽ vào lúc sau khi đã trải qua hai lần quân Nguyên
chinh phạt, đất nước yên vui, cho nên kết thành ý thơ như vậy. Bài thơ có cấu tứ
thanh cao, điệp tự âm vang, nếu chẳng phải bậc lão luyện trong làng thơ sao có
thể viết được như vậy ? Huống chi, ngài bản tính thanh cao, bẩm sinh phú quý,
có phong cách làm vua cả một nước, khác với người thường.”
— Hồ Nguyên Trừng
Sách Thơ văn Lý Trần
cũng ghi lại một bài của ông tên Chân tâm chi dụng mang màu sắc Phật giáo Thiền
tông:
...
Chân tâm chi dụng,
Tinh tinh tịch tịch.
Vô khứ vô lai,
Vô tổn vô ích.
Nhập đại nhập tiểu,
Nhậm thuận nhậm nghịch.
Động như vân hạc,
Tĩnh như tường bích.
Kỳ khinh như mao,
Kỳ trọng như thạch.
Sái sái nhi tịnh,
Khoả khoả nhi xích.
Bất khả đạc lượng,
Toàn vô tung tích.
Kim nhật vị quân,
Phân minh phẫu phách.
Dụng của chân tâm
...
Dụng của chân tâm,
Thông minh tịnh mịch.
Không đến không đi,
Không tổn không ích.
Vào nhỏ vào to,
Mặc thuận cùng nghịch.
Động như hạc mây,
Tĩnh như tường vách.
Nhẹ tựa mảy lông,
Nặng như bàn thạch.
Trần trần trụi trụi,
Làu làu trong sạch.
Chẳng thể đo lường,
Tuyệt vô tung tích.
Nay ta vì ngươi,
Tỏ bày rành mạch.
(Bản dịch của Phạm Tú
Châu)
Ngoài ra còn có bài Cảm
xúc khi đọc Đại tuệ ngữ lục bày tỏ kinh nghiệm tu tập và chứng đạo:
Độc Đại tuệ ngữ lục hữu cảm
I
Đả ngõa toàn quy tam thập niên,
Kỷ hồi hãn xuất vị tham thiền.
Nhất triêu thức phá nương sinh diện,
Tỵ khổng nguyên lai một bán biên.
II
Nhãn tiền vô sắc nhĩ vô thanh,
Nhất phiến tâm đầu tự đả thành.
Thanh sắc bất can thần thiệt ngoại,
Nhậm tha bác báo dữ đô đinh.
Cảm xúc khi đọc Đại tuệ ngữ lục
I
Đập ngói dùi rùa ba chục niên,
Mồ hôi ướt đẫm bởi tham Thiền.
Một mai nhìn thấu dung nhan mẹ,
Mới biết khuôn trăng khuyết một
bên.
II
Mắt tai nào có sắc cùng thanh,
Chỉ một tâm kia tự đúc thành.
Môi lưỡi bỏ ngoài thanh với sắc,
Mặc người "bác báo" với
"đô đinh".
(Bản dịch của Phạm Tú
Châu)
NHẬN
ĐỊNH
Sử thần Ngô Sĩ Liên
trong Đại Việt Sử ký Toàn thư khen ngợi Trần Thánh Tông:
“Thánh
Tông nối nghiệp Thái Tông, giữa chừng gặp giặc cướp biến loạn, ủy nhiệm cho tướng
thần cùng với Nhân Tông giúp sức làm nên việc, khiến thiên hạ đã tan lại hợp,
xã tắc nguy lại an. Suốt đời Trần không có việc giặc Hồ nữa, công to lắm.”
— Ngô Sĩ Liên
Đại Việt Sử ký Toàn thư
còn dẫn ra một câu chuyện cho thấy sự hòa ái của hoàng thất Nhà Trần thời Trần
Thánh Tông: Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, trên danh nghĩa là con trưởng
của Trần Thái Tông, nhưng thực ra là con trai của An Sinh Đại vương Trần Liễu
cùng Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu. So với những người con còn lại của Thái
Tông, tuy là con trưởng nhưng Quốc Khang học vấn tầm thường, nên không được vua
em Thánh Tông cho giữ những chức vụ lớn trong triều đình. Tuy nhiên nhà vua vẫn
giữ quan hệ tốt đẹp với anh mình. Có lần ông cùng Quốc Khang chơi đùa trước mặt
Thái thượng hoàng. Thượng hoàng mặc áo bông trắng, Quốc Khang múa kiểu người Hồ,
Thượng hoàng bèn cởi áo ban cho. Vua Thánh Tông thấy vậy cũng múa kiểu người Hồ
để đòi thưởng áo bông. Quốc Khang bèn nói:
Quý
nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi. Nay đức chí tôn cho tôi
thứ nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp sao?
Thượng
hoàng Thái Tông cười nói với Quốc Khang:
Vậy
ra con coi ngôi vua cũng chỉ như cái áo choàng này thôi à?
Thái Tông khen Quốc
Khang, rồi ban áo cho Khang. Trong hoàng gia, cha con, anh em hòa thuận không xảy
ra xích mích. Vào tháng 9 âm lịch năm 1269, Thánh Tông phong Quốc Khang làm Vọng
Giang phiêu kỵ Đô thượng tướng quân. Sau này, mùa xuân năm 1270 (niên hiệu Thiệu
Long năm thứ 13), Quốc Khang xây vương phủ hoành tráng tại Diễn Châu, nhà vua
bèn cho người đến xem. Hoảng sợ, Quốc Khang đành phải dựng tượng Phật tại nơi
này - sau trở thành chùa Thông.
Sử thần Lê Tung triều
Lê Tương Dực viết Đại Việt thông giám tổng luận (1514) ca ngợi Trần Thánh Tông
là vị vua nhân hậu, coi trọng hiền tài, phát triển Nho học; nhưng, đứng trên
góc độ Tân Nho giáo, Lê Tung phê phán ông tôn sùng đạo Phật:
“Thánh
Tông có lòng nhân thứ, có đức hiếu đễ, yêu người thân, hòa trong họ, tôn người
hiền, trọng đạo đức, hầu kinh diên thì chọn người hiền lương, giúp thái tử kén
người đức hạnh, cơ nghiệp Nhà Trần, do đấy vững bền. Song đạo Phật đắm lòng,
cùng một tệ tập như Lương Vũ Đế.”
— Lê Tung
Trong bộ Việt sử tiêu
án (1775) do sĩ phu Ngô Thì Sĩ (đời Lê-Trịnh) soạn thảo cũng ghi lại một số
đánh giá của sử thần:
“Nhà
Trần xử với tộc thuộc hòa vui không hiềm nghi gì, trong đạo vua tôi ở với nhau
như người nhà, khi vô sự thì thơ từ xướng họa, vui vẻ hết đường; khi hữu sự thì
đồng lòng góp sức, thân hơn chân tay, đó là phong tục tốt của đời ấy, ít ai
theo kịp. Vua Thánh Tôn có tư chất nhân hậu, được môn học tâm tính; đã từng học
qua Cơ Cừu Lục của vua biết được các bài tụng Đả mã, Toàn quy, có nghĩa tinh vi
nhập thần; ngoài ra câu nào cũng huyền diệu, chữ nào cũng thiết thực, không phải
thâm đạo không làm được thế; cho nên gặp việc mà suy rộng ra đều là có thiên
lý, hòa vui với anh em, có thể tưởng tượng được tấm lòng chí thành, nên mới có
hiệu quả chống nổi giặc mạnh khi bấy giờ, và sự dạy bảo thân yêu họ hàng còn để
lại về sau, thật là vị vua hiền.”
— Việt sử tiêu án
“Đương
lúc bấy giờ người Nguyên hùng cường gian ác, chăm chú muốn nuốt đất Nam, cho
nên tìm nhiều cách sang trách ta, gây nên mối dụng binh, vua ta cũng tự giữ
nghiêm trọng, không chịu khuất chút nào, có thể gọi là người hùng.”
— Việt sử tiêu án
ĐỌC NHIỀU
-
CUỐN SÁCH VỀ 45 ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ, TỪ GEORGE WASHINGTON ĐẾN DONALD TRUMP, TÁI BẢN NHÂN CUỘC BẦU CỬ NĂM NAY. Sách xuất bản lần đầu năm 1980, ...
-
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhàthần học và nhà giả kim người Anh, đ...
-
VŨ GIA HIỀN Ông tiến sĩ kiêm nhiều “vai diễn” Hiếm ai như ông, cùng một lúc say mê rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, một nhà nghiên cứu vật...
-
"Phải làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan, để sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc". Đó là lời tâm niệm của Trần Hải Li...
-
Oliver Cromwell (25 tháng 4 năm 1599 - 3 tháng 9 năm 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò ...
-
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899 - 2 tháng 7, 1961; phát âm: Ơr-nist Mil-lơr Hêm-ing-wê ) là một tiểu thuyết gia ngườ...
-
Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain ; 30 tháng 11,1835 – 21 tháng 4, 1910) là một nhà văn khôi h...
-
Bác sĩ Nguyễn Duy Cương đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cá nhân và k...
-
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI Socrates ( 470 – 399 TCN ) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại (Người Athens), ông được coi là một trong ...
-
Franz Kafka (3 tháng 7 năm 1883 - 3 tháng 6 năm 1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, đ...
DANH MỤC
- A
- ABRAHAM LINCOLN
- ANH HÙNG
- ARTHUR ASHE
- B
- BÁC SĨ
- BÀI CA
- BENJAMIN SPOCK
- C
- CA SĨ
- CẦU THỦ
- CEO
- CHA ĐẺ
- CHÍNH KHÁCH
- CHÍNH TRỊ
- CHÍNH TRỊ GIA
- CHỦ TỊCH
- CHỦ TỊCH HĐQT
- CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM
- CHUYÊN GIA
- CHUYÊN GIA GIÁO DỤC
- CỐ VẤN
- CÔNG CHÚA
- CÔNG GIÁO
- D
- DANH NGÔN
- DANH NHÂN
- DANH NHÂN CỔ ĐẠI
- DANH NHÂN PHILIPPINES
- DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
- DANH NHÂN VẦN
- DANH NHÂN VẦN A
- DANH NHÂN VẦN B
- DANH NHÂN VẦN C
- DANH NHÂN VẦN D
- DANH NHÂN VẦN Đ
- DANH NHÂN VẦN E
- DANH NHÂN VẦN F
- DANH NHÂN VẦN G
- DANH NHÂN VẦN H
- DẠNH NHÂN VẦN I
- DANH NHÂN VẦN J
- DANH NHÂN VẦN K
- DANH NHÂN VẦN L
- DANH NHÂN VẦN M
- DANH NHÂN VẦN N
- DANH NHÂN VẦN O
- DANH NHÂN VẦN P
- DANH NHÂN VẦN Q
- DANH NHÂN VẦN R
- DANH NHÂN VẦN S
- DANH NHÂN VẦN T
- DANH NHÂN VẦN V
- DANH NHÂN VẦN W
- DANH NHÂN VIỆT
- DANH NHÂN VIỆT NAM
- DANH SĨ
- DANH VẦN M
- DỊCH GIẢ
- DIỄM XƯA
- DIỄN GIẢ
- DIỄN VĂN
- DO THÁI
- DOANH NHÂN
- ĐẠI KIỆN TƯỚNG CỜ VUA
- ĐẠI THI HÀO
- ĐẠI TƯỚNG
- ĐẤT NƯỚC
- G
- GIẢI NOBEL
- GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
- GIÁM MỤC
- GIẢNG VIÊN
- GIÁO DỤC
- GIÁO SĨ
- GIÁO SƯ
- GỐC BALTIC
- GỐC DO THÁI
- GỐC PHÁP
- GỐC PHI
- Günter Wilhelm Grass
- H
- HIỀN GIẢ
- HIỀN TÀI
- HIỆN TẠI
- HOA KỲ
- HỌA SĨ
- HOÀNG ĐẾ
- HOÀNG ĐẾ NHÀ LÝ
- HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM
- HOÀNG TỬ
- I
- J.K ROWLING
- KHOA HỌC
- KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
- KHOA HỌC - TỰ NHIÊN
- KINH SÁCH - MỤC ĐÍCH VỊ NHÂN SINH
- KINH TẾ
- KỸ SƯ
- L
- LÃNH TỤ
- LIÊN BANG XÔ VIẾT
- LINH MỤC CÔNG GIÁO
- LUẬN VỀ DANH NGÔN
- LUẬN VỀ DANH NGÔN & DANH NHÂN
- LUẬT SƯ
- LƯƠNG THẾ VINH
- M
- MARTIN LUTHER
- MARTIN LUTHER KING
- MỤC SƯ
- N
- NAPOLEON HILL
- NGÂN HÀNG
- NGHỆ NHÂN
- NGHỆ SĨ
- NGUYỄN ĐÌNH THI
- NGUYÊN KHÍ
- NGUYỄN TRÃI
- NGƯỜI ANH
- NGƯỜI ÁO
- NGƯỜI BỈ
- NGƯỜI CUBA
- NGƯỜI DO THÁI
- NGƯỜI ĐÃ GIẢI THOÁT
- NGƯỜI ĐAN MẠCH
- NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL
- NGƯỜI ĐỨC
- NGƯỜI HINDU
- NGƯỜI IRELAND
- NGƯỜI ISRAEL
- NGƯỜI MẪU
- NGƯỜI MỸ
- NGƯỜI MÝ
- NGƯỜI NGA
- NGƯỜI NHẬT
- NGƯỜI PHÁP
- NGƯỜI SCOTLAND
- NGƯỜI TRUNG QUỐC
- NGƯỜI VIỆT
- NGƯỜI VIỆT NAM
- NGƯỜI Ý
- NHÀ BÁC HỌC
- NHÀ BÁO
- NHÀ CHẾ TẠO
- NHÀ ĐỊA CHẤT
- NHÀ ĐỘNG VẬT HỌC
- NHÀ HÓA HỌC
- NHÀ HÓA HỌC. NHÀ NGỮ PHÁP
- NHÀ HÓA SINH
- NHÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
- NHÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
- NHÀ KHOA HỌC
- NHÀ LÃNH ĐẠO
- NHÀ LẬP TRÌNH
- NHÀ NGHIÊN CỨU
- NHÀ NGHIÊN CỨU Y KHOA
- NHÀ NGOẠI GIAO
- NHÀ PHÁT MINH
- NHÀ PHỤC HƯNG
- NHÀ QUÂN SỰ
- NHÀ SÁNG CHẾ
- NHÀ SÁNG LẬP
- NHÀ SINH HỌC
- NHÀ SINH LÝ HỌC
- NHÀ SINH VẬT HỌC
- NHÀ SOẠN KỊCH
- NHÀ SỬ HỌC
- NHÀ TẠO MẪU
- NHÀ THIÊN VĂN
- NHÀ THIÊN VĂN HỌC
- NHÀ THÔNG THÁI
- NHÀ THƠ
- NHÀ THƠ. NGUYỄN DU
- NHÀ TOÁN HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
- NHÀ TỰ NHIÊN HỌC
- NHÀ TỪ THIỆN
- NHÀ VĂN
- NHÀ VĂN HÓA
- NHÀ VĂN HÓA - TƯ TƯỞNG
- NHÀ VĂN VIỆT NAM
- NHÀ VẬT LÝ
- NHÀ VẬT LÝ HỌC
- NHÀ VIẾT KỊCH
- NHÀ VIRUS HỌC
- NHÀ XÃ HỘI HỌC
- NHẠC CÔNG
- NHẠC SI
- NHẠC SĨ
- NHẠC SĨ TÂN NHẠC
- NHẦ VẬT LÝ
- NHÂN KHẨU HỌC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA TRUNG QUỐC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHÂN VẬT LỊCH SỬ
- NHÂN VẬT TRUYỀN HÌNH
- NHẬT BẢN
- NHẬT VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHIẾP ẢNH GIA
- NỮ THỐNG THỐNG
- OPRAH WINFREY
- ÔNG CHỦ
- P
- PHI HÀNH GIA
- PHILIPPINES
- PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ
- PHƯƠNG TRÌNH
- PHƯƠNG TRÌNH DIRAC
- PLATON
- S
- SÁCH HAY
- SÁNG LẬP VIÊN
- SĨ QUAN HẢI QUAN
- SOCRATES
- SỬ GIA
- T
- TÁC GIA
- TÁC GIẢ
- TÀI CHÍNH
- THÁI LAN
- THÂN NHÂN TRUNG
- THẦY THUỐC
- THI HÀO
- THI SĨ
- THƠ
- THỦ LĨNH
- THỦ TƯỚNG
- TIẾN SĨ
- TIỂU THUYẾT GIA
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH CẢM TÁC
- TK - NGHIỆM
- TỔNG BÍ THƯ
- TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
- TỔNG GIÁM ĐỐC
- TỔNG THỐNG
- Tổng thống Mỹ
- TRIẾT GIA
- TRỊNH CÔNG SƠN
- TRUNG QUỐC
- TỰ VẤN
- TỶ PHÚ
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- VĂN SĨ
- VẬT LÝ
- VẬT LÝ LÝ THUYẾT
- VỆT NAM
- VIỆT KIỀU
- VIỆT NAM
- VÕ TƯỚNG
- VOLTAIRE
- VỘI VÀNG
- Vua
- XUÂN DIỆU
- XUÂN QUỲNH
- XUẤT BẢN SÁCH HOÀNG GIA
Copyright ©
THẾ GIỚI DANH NHÂN | Bản quyền thuộc về DANH NHÂN VĂN HÓA - HOÀNG GIA
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia