Hiển thị các bài đăng có nhãn DANH NHÂN VẦN P. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn DANH NHÂN VẦN P. Hiển thị tất cả bài đăng
23 tháng 4, 2013
Paul Gardner Allen (sinh ngày 21 tháng 1 năm 1953 ở Seattle, Washington) là một nhà đầu tư người Mỹ, đồng sáng lập Microsoft với Bill Gates. Ông thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới; vào năm 2007, Forbes xếp ông là người Mỹ giàu thứ năm, trị giá tài sản ước tính 18 tỷ Đô la Mỹ. Ông là Chủ tịch củaCharter Communications, nhưng không còn là cổ đông của DreamWorks Animation nữa. Vừa rồi ông được mời tham dự Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoạt hình (AMPAS).
Allen cũng sở hữu hai câu lạc bộ thể thao: Seattle Seahawks trong Giải Bóng đá Mỹ Quốc gia và Portland Trail Blazers trong Liên hiệp Bóng rổ Quốc gia.
Năm 2007, Allen nằm trong danh sách 100 người Ảnh hưởng nhất Thế giới của tạp chí Time.
Hiện ông đang định cư tại Mercer Island, Washington.
Những năm đầu tiên
Paul Gardner Allen sinh tại Seattle, Washington trong gia đình Kenneth S. Allen, phó giám đốc của thư viện trường Đại học Washington, và Faye G. Allen, vào năm 1953. Allen học tại Lakeside School, một ngôi trường tư thục uy tín ở Seattle, và kết bạn với Gates, người học dưới ông hai lớp nhưng chia sẻ lòng đam mê máy tính với nhau. Allen là một học sinh gương mẫu ở Lakeside School. Họ đã sử dụng máy điện báo của trường để phát triển kỹ năng lập trình trên vài hệ thống máy chia sẻ thời gian. Sau khi tốt nghiệp, Allen nhập học tại trường Đại học Tiểu bang Washington, và là một thành viên tích cực của Phi Kappa Theta Fraternity, mặc dù ông bỏ học sau đó hai năm để làm lập trình viên cho Honeywell ở Boston, ở đó ông gặp lại người bạn cũ. Sau đó ông đã thuyết phục Gates bỏ học ở trường Đại học Harvard để thành lập Microsoft.
Microsoft
Cùng với Bill Gates, ông đã thành lập Microsoft (ban đầu là "Micro-Soft") tại Albuquerque, New Mexico, năm 1975, và bắt đầu bán ngôn ngữ lập trình thông dịch BASIC. Năm 1980, Allen là người đầu tiên mở đầu cho sự đi lên của khi mua lại hệ điều hành có tên là QDOSvới giá 50.000 đô la Mỹ. Theo hạn chót của IBM, Gates và Allen cảm thấy họ không có đủ thời gian để phát triển một hệ điều hành mới; do đó họ đã mua lại QDOS với chức năng hoàn chỉnh và sửa lại mã nguồn để phù hợp với yêu cầu của IBM. Microsoft đã thắng được hợp đồng cung cấp chương trình hoàn thiện để sử dụng làm hệ điều hành trong loạt máy để bàn mới của IBM. Nó đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của Microsoft.
Allen từ chức khỏi Microsoft vào năm 1983 sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh Hodgkin, sau đó đã được chữa trị thành công sau vài tháng chữa trị bằng phóng xạ và ghép thần kinh xương.
Vào tháng 11 năm 2000, Allen rút khỏi ban quản trị của Microsoft nhưng được nhờ tư vấn với vị trí cố vấn chiến lược cấp cao của ban điều hành công ty. Ông đã thậm chí nới rộng hơn khoảng cách giữa mình với Microsoft với việc bán 68 triệu cổ phiếu của Microsoft. Có người nói ông hiện vẫn còn sở hữu khoảng 138 triệu cổ phiếu.
Lòng từ thiện
Phần lớn thành công của Paul Allen đã được hiến cho các dịch vụ sức khỏe và dân sinh và cho sự tiến bộ của khoa học và công nghệ. Quỹ gia đình Paul G. Allen được thành lập vào năm 1986 để quản lý những khoản đóng góp. Thông qua quỹ, Allen đã tặng gần 30 triệu Đô la Mỹ hàng năm. Khoảng 75 phần trăm số tiền của Quỹ được tặng cho những tổ chức phi lợi nhuận ở Seattle và tiểu bang Washington. 25 phần trăm còn lại được phân phối cho Portland, Oregon và những thành phố khác ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Allen cũng đóng góp thông qua những dự án từ thiện khác như "lòng từ thiện mạo hiểm". Dự án nổi tiếng nhất trong số đó là Dự án Âm nhạc Kinh nghiệm, Học viện Allen về Não học, và Tìm kiếm Trí thông minh ngoài Trái đất thông qua Ma trận Kính viễn vọng Allen. Tổng số tiền từ thiện của Paul Allen vào năm 2005 ươc tính trên 43 triệu Đô la Mỹ.
Trường Đại học Washington là nơi nhận được phần lớn tiền đóng góp của Paul Allen. Vào cuối thập niên 1980, Allen đã đóng góp 18 triệu đô la Mỹ để xây thư viện mới đặt tên cha của ông, Kenneth S. Allen. Năm 2003 5 triệu đô la Mỹ đã được tặng để thành lập Trung tâm Nghệ thuật Thị giác Faye G. Allen, đặt theo tên của mẹ ông. Allen cũng là người đóng góp tư nhân lớn nhất (14 triệu đô la Mỹ) và được đặt theo tên ông Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Máy tính Paul G. Allen (hoàn thành năm 2004). Trong suốt những năm qua, Allen đã đóng góp hàng triệu đô la Mỹ cho Khoa Y trường Đại học Washington, gần đây nhất là 3,2 triệu đô la dành cho nghiên cứu viêm tuyến tiền liệt.
Tên ông đã được đặt cho một giống ruồi hoa vì sự đóng góp của ông cho ngành Dipterology.
Năm 1993, Paul Allen đã tài trợ tiền cho một vụ kiện hai năm trong đó gia đình của nghệ sĩ ghi-ta rock Jimi Hendrix đòi lại bản quyền cho nhạc của ông ta sau khi nhà quản lý di sản được cho là đã bán khi chưa được phép. Allen cũng tài trợ cho việc mua những di sản của Hendrix (bao gồm cây guitar Hendrix đã chơi ở Woodstock và cho trưng bày nó ở triển lãm Dự án Kinh nghiệm Âm nhạc.
Nỗ lực đầu tư và phát triển bất động sản ở Seattle
Allen là nhà phát triển và đầu tư chính trong sự phát triển gây tranh cãi của cộng đồng South Lake Union ở Seattle thành trung tâm công nghệ sinh học. Sự phát triển này đã bị phê phán là sự đầu tư cho bất động sản cho Vulcan Inc. được địa phương hỗ trợ. Những lo lắng về sự thiếu hụt nhà cho người thu nhập thấp rất đáng chú ý. Allen đã đầu tư khoảng 200 triệu đô la Mỹ vào năm 2005, và đã đóng góp vào quỹ "South Lake Union Trolley" của thành phố từ Trung tâm WestLake đến phía nam của Lake Union bang Seattle.
Allen là người tài trợ và là chủ của Dự án Trải nghiệm Âm nhạc.
Những đầu tư khác
Forbes báo cáo rằng Allen sẽ đầu tư 1,6 tỷ đô la vào Bangladesh. Phần lớn số tiền nói trên sẽ được dùng để xây nhà máy điện và phần còn lại để xây nhà máy phân bón.
Cùng một lúc, Quỹ đầu tư mạo hiểm Vulcan của Allen sở hữu TechTV, một kênh truyền hình cáp và vệ tinh 24-giờ ở San Francisco, chiếu thời sự và giới thiệu máy tính, công nghệ và Internet.
Liên quan đến thể thao
Năm 1988, Allen mua lại Portland Trail Blazers đội bóng ở giải NBA từ Harry Glickman với giá 70 triệu đô la, từ đó phát triển và quyên góp cho Sân vận động Rose Garden vào năm 1993. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Allen với tư cách là chủ của Trail Blazers là sự tham gia của ông vào cuộc thi ăn hot dog vào giờ nghỉ của trận đấu với Denver Nuggets vào năm 2002. Allen đã ăn 10 cái hot dog trong 12 phút, nhưng thua nhà vô địch thế giới Takeru Kobayashi.
Năm 1997, Allen mua lại đội Seattle Seahawks NFL khi người chủ cũ Ken Behring đe dọa chuyển Seahawks xuống phía nam California. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của sân vận động mới của Seahawks, Qwest Field, mặc dù nó được góp tiền chủ yếu bằng lợi nhuận từ thuế.
Từ năm 2006, Allen đã hỏi những quan chức của Portland và Oregon để hỗ trợ về tài chính cho Blazers, mà ông dự tính sẽ mất khoảng 100 triệu đô la trong ba năm tới. Thị trưởng Portland Tom Potter đang khước từ đề nghị này.
Theo bản bài báo phát hành năm 2006 của Forbes, Blazers được định giá xấp xỉ 300 triệu đô la.
Ngày 27 tháng 4 năm 2007, có tin đồn rằng Allen sẽ đạt được thương vụ mua lại câu lạc bộ bóng đá Anh Southampton. Một nguồn tin gần gũi đã nói "ông tin rằng có một nguồn lợi cho sự đầu tư dài hạn vào Bóng đá Anh. Southampton là một người khổng lồ ngủ quên, một câu lạc bộ gia đình với những giá trị truyền thống, và chúng tôi nhìn thấy giá trị của nó trong thương hiệu toàn cầu”
SpaceShipOne
Năm 2004, Allen đã xác nhận rằng ông nhà đầu tư duy nhất đằng sau phi thuyền thương mại ngoài tầm mắt SpaceShipOne của Scaled Composites của Burt Rutan. SpaceShipOne là nỗ lực tài chính cá nhận đầu tiên đưa thành công con người trong không gian nhìn thấy được và đã chiến thắng trong cuộc thi Ansari X PRIZE.
Ung thư
Ngày 15 tháng 11, 2009, Jody Allen, em gái của Paul Allen và CEO của Vulcan thông báo ra đại chúng là Paul được chuẩn đoán bị Non-Hodgkin lymphoma, một triệu chứng của ung thư.
Octopus
Năm 2003, sự hạ thủy của con tàu Octopus dài 127m của Paul Allen đã đảm bảo vị trí của nó là một trong những du thuyền lớn nhất thế giới. Nó hiện xếp thứ năm trong Danh sách những du thuyền dài nhất. Allen còn có hai chiếc du thuyền khác.
Đời sống riêng tư
Paul Allen sống độc thân. Năm 2005 New York Daily News nói rằng ông đang hẹn hò với nữ diễn viên và là cựu nữ hoàng sắc đẹp Laura Harring, cùng đóng vai chính trong Mulholland Drive, trong khoảng sáu tháng.
Vào ngày 31 tháng 3 năm 2007, Allen nhận được bằng Tiến sỹ Danh dự của Học viện Công nghệ Liên bang (Thụy Sĩ).
WILLIAM PETTY - Người đặt nền móng cho Kinh tế chính trị cổ điển Anh
William Petty (1623-1687) là người đặt nền móng cho trường phái Kinh tế chính trị cổ điển ở Anh, tác phẩm nghiên cứu của ông được xuất bản trong những năm 60-80 thế kỷ 17. K. Marx đánh giá ông là “cha đẻ của Kinh tế chính trị, nhà kinh tế học kiệt xuất và đặc sắc”. Những tác phẩm của ông được biết đến là “Luận bàn về thuế và các khoản thu” (1662), “Giải phẫu học chính trị Ireland” (1672), “Điều khác về tiền tệ” (1682). Trong các tác phẩm đó tư tưởng xuyên suốt là không công nhận đường lối bảo hộ mậu dịch của chủ nghĩa trọng thương.
William Petty sinh tại thành phố Romsi – miền nam nước Anh, trong một gia đình sản xuất vải dạ. Từ nhỏ đã tỏ ra thông minh. Năm 14 tuổi không muốn tiếp tục công việc truyền thống của gia đình, ông bỏ nhà đi làm thủy thủ thiếu niên. Một năm sau ông bị tai nạn gãy chân, phải rời tàu và lưu lạc ở bờ biển phía bắc nước Pháp. Nhờ giỏi [tiếng Latinh] ông được nhận vào học tại trường trung học chuyên nghiệp thành phố Kanne. Tại đây ông học thêm tiếng Hy lạp, tiếng Pháp, toán và thiên văn.
Trở về Anh năm 1640 sau khi tốt nghiệp trung học, ông kiếm sống bằng công việc vẽ hải đồ, và sau đó là phục vụ trên chiến hạm. Ba năm sau, đúng 20 tuổi, ông lại rời Anh để theo học ngành y ở Amsterdam và Paris. Kết thúc bốn năm du học với chứng chỉ y khoa, ông về lại Anh và lại tiếp tục theo học tại Đại học tổng hợp Oxford.
Năm 1650, lúc 27 tuổi ông được nhận học vị tiến sĩ vật lý, nhưng lại làm giáo sư phẫu thuật học tại một trường trung học chuyên nghiệp ở Anh. Sau một năm, bất ngờ ông nhận lời làm bác sĩ thuộc trung tâm chỉ huy quân sự Anh tại Ireland. Cuộc sống của một bác sĩ nghèo thay đổi từ đó. Ông đã kiếm được 9 nghìn bảng Anh nhờ vào công việc lập bản đồ cho nhà nước tại Ireland. Đó là vì ông đã đứng tên mua các khoảnh đất quân đội cấp cho các sĩ quan và lính, mà họ từ chối. Chỉ trong khoảng 10 năm, một người trí thức đa nghề 38 tuổi đã được trao tặng danh hiệu hiệp sĩ và quyền được gọi là “ngài W. Petty”. Sự giàu có cộng với trí thông minh đã biểu hiện qua công việc sau này của ông, đó là ghi chép đời sống kinh tế của xã hội và quốc gia.
Lý thuyết về sự giàu có và tiền tệ
Khác với những nhà trọng thương, theo W. Petty, sự giàu có không chỉ là vàng bạc và đá quý, mà còn là đất đai, nhà cửa, hàng hóa và thậm chí là hoàn cảnh gia đình. Câu nói bất hủ của ông lưu truyền đến tận ngày nay: “Lao động là cha và nguyên tắc chủ động của sự giàu có, và đất là mẹ của nó”.
Để tăng thu nhập nhà nước W. Petty đề nghị, thay vì tống giam người phạm tội nên dùng biện pháp phạt tiền, đối với kẻ ăn trộm mà không có tiền thì bắt làm nô lệ để lao động. Ông không công nhận vai trò đặc biệt của tiền tệ. Vì vậy ông cũng giải thích rõ thêm, nước nào làm hỏng đồng tiền của mình thì cũng đồng nghĩa với sự suy thoái, giảm uy quyền của nhà vua, phản bội lại lòng tin của dân chúng đối với tiền.
Để phát triển thêm ý tưởng trên ông cho rằng cấm chuyển tiền ra nước ngoài là vô nghĩa và không thể. Theo ông, việc đó cũng tương tự như cấm nhập khẩu hàng hóa. Trong các lập luận ông thể hiện là người ủng hộ lý thuyết tiền tệ về số lượng, hiểu rõ những quy luật về số lượng tiền cần thiết cho giao thương. Đồng thời trong đó cũng thấy rõ quan điểm sơ lược của ông về vai trò tiền tệ trong nền kinh tế. Ông là người kiên quyết phủ nhận sự đóng góp của buôn bán và tư bản thương mại trong tạo dựng của cải, đề nghị giảm bớt số lái buôn. Ông so sánh giới lái buôn như những “người chơi”, là giới làm công việc phân phối “máu” và “chất dinh dưỡng” của quốc gia - một cách ẩn dụ của ông đối với sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Lý thuyết tiền tệ
Bất đồng quan điểm với chủ nghĩa trọng thương không chỉ trên phương diện bản chất sự giàu có và cách thức nhân rộng nó lên, ông còn tìm cách giải thích nguồn gốc giá trị của hàng hóa, và cả nguyên nhân làm ảnh hưởng đến mức giá cả trên thị trường. Những luận bàn xoay quanh vấn đề này cho phép công nhận ông chính là người đầu tiên đã đề ra lý thuyết lao động về giá trị. Một trong những luận điểm đó phát biểu rằng giá trị của bạc được tạo bởi lao động trong việc khai thác bạc, và ông gọi đó là “giá trị tự nhiên”. Giá trị của hàng hóa, tương đương với giá trị của bạc tính theo lao động bỏ ra, được ông gọi là “giá thị trường thật sự” của hàng hóa đó. Tuy nhiên cách tiếp cận về chi phí lao động như trên không thể làm cơ sở để giải thích được nhiều các hiện tượng kinh tế.
Lý thuyết về thu nhập
Đề cập đến vấn đề thu nhập của người lao động, W. Petty khẳng định: “luật pháp chỉ phải đảm bảo cho người làm việc phương tiện để sống, bởi vì nếu cho phép họ nhận được gấp đôi, thì họ sẽ làm việc ít hơn hai lần sức mà họ có thể và đáng làm, và điều đó đối với xã hội có nghĩa là làm mất đi một lượng lao động”.
Đối với thu nhập của chủ đất ông liên hệ với khái niệm “địa tô”, đồng nghĩa với lợi nhuận của người sản xuất nông nghiệp, là chênh lệch giữa giá bánh mì và chi phí để làm ra nó. Trong đó có tính đến mức địa tô khác nhau của các mảnh đất có khoảng cách khác nhau đối với trung tâm dân cư, hoặc độ màu mỡ khác nhau của chúng.
Đối với thu nhập của người cho vay, hay phần trăm lãi suất tiền vay, ông cũng đồng nhất với “địa tô”, giải thích rằng số tiền cho vay tương ứng với mảnh đất có thể mua được trong điều kiện an ninh xã hội hoàn toàn.
Như thế W. Petty đã đề cập đến giá của đất đai. Tuy nhiên ông chỉ dừng lại ở bề mặt của hiện tượng này bằng cách lập luận: “Hầu như lúc nào cũng chỉ có ba thế hệ tiếp nối sống đồng thời. Vì vậy, tôi cho rằng, tổng địa tô trong năm hợp thành giá của mảnh đất nào đó, bằng với khoảng thời gian sống của những người thuộc ba thế hệ đó. Ở Anh của chúng ta, khoảng thời gian đó được xác định là 21 năm. Như vậy giá đất gần bằng tổng địa tô trong năm của số năm đó”.
Cách tiếp cận của W. Petty đối với giá đất có những ưu việt nhất định, thể hiện mối quan hệ qua lại giữa lãi suất và địa tô trong năm.
22 tháng 4, 2013
MAX PLANCK - Nhà sáng lập cơ học lượng tử, đạt giải Nobel năm 1918
Max Karl Ernst Ludwig Planck (23 tháng 4, 1858 – 4 tháng 10, 1947) là một nhà vật lý người Đức, được xem là người sáng lập cơ học lượng tử và do đó là một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông đạt giải Nobel vật lý năm 1918.
Cuộc đời và sự nghiệp
Gia thế và niên thiếu
Max Planck xuất thân từ một gia đình có truyền thống học thuật. Ông cố Heinrich Ludwig Planck (1785–1831) và ông nội Heinrich Ludwig Planck (1785–1831) là giáo sư ngành Thần học tại Göttingen. Bố của ông, Wilhelm Johann Julius Planck (1817–1900), là giáo sư ngành luật tại Kiel và München; người chú Gottlieb Planck (1824–1907) cũng là một luật sư, là một trong những người góp phần chủ yếu lập bộ Công dân luật (Bürgerliches Gesetzbuch, viết tắt BGB).
Ông ra đời ngày 23 tháng 4 năm 1858 tại Kiel, là con của Johann Julius Wilhelm Planck và người vợ thứ hai là Emma Patzig (1821–1914); ông có bốn anh chị em ruột (Hermann, Hildegard, Adalbert và Otto), cũng như hai anh chị cùng cha khác mẹ (Hugo và Emma) đời vợ trước của Johann Julius Wilhelm Planck. Ông sống những năm đầu tại Kiel cho đến khi gia đình chuyển về München. Nơi đây, ông đi học ở trường trung học Maximilian; một trong những người bạn học của ông là người sáng lập Viện bảo tàng Đức (Deutsches Museum) Oskar von Miller. Ông tốt nghiệp phổ thông năm 16 tuổi.
Học tập
Planck rất có khiếu về âm nhạc. Ông chơi đàn dương cầm, phong cầm, cello và được đào tạo giọng hát. Ông sáng tác bài ca và một ca kịch nhỏ (Operette, 1876) cho hội sinh viên của ông, Câu lạc bộ ca nhạc München. Nhưng thay vì học âm nhạc, ông quyết định học vật lí.
Giáo sư vật lí tại München, Philipp von Jolly, khuyên ông không nên học bộ môn này vì "trong ngành này hầu như tất cả đã được nghiên cứu, và công việc còn lại chỉ là việc trám vá một vài chỗ thiếu sót không quan trọng" ("in dieser Wissenschaft schon fast alles erforscht sei, und es gelte, nur noch einige unbedeutende Lücken zu schließen") – một quan điểm được nhiều nhà vật lí thời đó đại diện. Planck ứng đáp rằng: "Tôi không ôm ấp nguyện vọng khai phá đất mới mà chỉ muốn hiểu những cơ sở đã có của khoa học vật lí, và nếu có thể, đi sâu thêm nữa" ("Ich hege nicht den Wunsch, Neuland zu entdecken, sondern lediglich, die bereits bestehenden Fundamente der physikalischen Wissenschaft zu verstehen, vielleicht auch noch zu vertiefen"). Và ông bắt đầu học ngành vật lí vào năm 1874 tại Đại học München.
Nơi Jolly, Planck thực hiện các buổi thí nghiệm duy nhất trong cả cuộc đời nghiên cứu của ông (về sự khuếch tán của khinh khí qua sự nung nóng platin); không bao lâu sau, ông chuyển qua ngành vật lí lí thuyết.
Planck đến Berlin học một năm (1877-1878) để học tập với những nhà vật lí học nổi danh là Hermann von Helmholtz và Gustav Kirchhoff cũng như nhà toán học Karl Weierstraß. Planck ghi như sau về Helmholtz: "... chẳng bao giờ chuẩn bị tốt, nói lắp bắp, luôn tính sai và làm người nghe nhàm chán", và nói về Kirchhoff: "... chuẩn bị bài dạy kĩ lưỡng, tuy nhiên, khô khan và đơn điệu". Mặc dù vậy, ông kết bạn rất thân với Helmholtz. Phần lớn ông tự học từ những bài viết của Rudolf Clausius. Qua ảnh hưởng này mà lĩnh vực nghiên cứu của ông sau này trở thành lí thuyết nhiệt học.
Tháng 10 năm 1878, ông kết thúc chương trình cao học (Lehramtsexamen), và trình luận án tiến sĩ tháng 3 năm 1879 mang tên "Luận về nguyên tắc thứ hai của nhiệt động lực học" (Über den zweiten Hauptsatz der mechanischen Wärmetheorie). Tháng 6 năm 1880, ông trình luận án hậu tiến sĩ (Habilitationsschrift) với tựa đề "Trạng thái quân bình của các vật đẳng hướng ở các nhiệt độ khác nhau" (Gleichgewichtszustände isotroper Körper in verschiedenen Temperaturen).
Sự nghiệp học thuật
Sau khi trình luận án hậu tiến sĩ, ông làm giảng sư không công tại München để chờ ứng cử giáo sư. Mặc dù các chuyên gia thời đó không lưu tâm đến ông, Max Planck vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu trong lĩnh vực lí thuyết nhiệt học, dần dần phát triển một dạng hình thức của nhiệt động học như Josiah Willard Gibbs nhưng không biết về điểm này. Khái niệm entropy – vốn được Clausius đề nhập – giữ vai trò trung tâm trong công trình của ông.
Tháng 4 năm 1855, Đại học Christian-Albrecht ở Kiel cử Planck làm phó giáo sư (Extraordinarius) môn Vật lí lí thuyết. Lương một năm của ông lúc đó là 2000 RM (Reichsmark). Các công trình nghiên cứu về entropy và cách ứng dụng nó – phần lớn để đáp ứng những vấn đề vật lí hóa học – được tiến triển. Ông đưa ra lời giải thích từ phía nhiệt động học cho thuyết phân chế điện giải (elektrolytische Dissoziationstheorie) của Svante Arrhenius. Nhưng Svante Arrhenius lại tỏ vẻ khước từ quan điểm này. Trong thời kì dạy ở Kiel này, Planck đã bắt đầu công trình nghiên cứu phân tích giả thiết nguyên tử (Atomhypothese).
Tháng 4 năm 1889, Planck được bổ nhiệm kế thừa Kirchhoff tại Berlin (người ta cho là qua sự giới thiệu của Helmholtz); từ 1892 trở đi, ông là giáo sư chính vị (Ordinarius). Lương năm của ông giờ đây là 6200 RM (cộng thêm khoảng 1000 RM cho phí dụng và bản quyền).
Năm 1907, Planck được mời làm giáo sư kế thừa Boltzmann tại Viên, nhưng ông từ chối, ở lại Berlin và để đáp ân thầy mình, sinh viên Berlin thực hiện buổi biểu tình cầm đuốc ở đây. Ông về hưu danh dự ngày 1 tháng 10 năm 1907; người thừa kế ông là Erwin Schrödinger.
Gia đình
Tháng 3 năm 1887, Planck cưới em gái của một người bạn học trung học, bà Marie Merck (1861–1909). Gia đình sống tại Kiel, đường Wilhelminenstraße 43, trọ cùng nhà với một gia đình thợ mộc. Ông có bốn người con với đời vợ này: Karl (1888–1916), hai chị em song sinh Emma (1889–1919) và Grete (1889–1917) cũng như Erwin (1893–1945).
Sau khi nhậm chức tại Berlin, gia đình Planck trú tại một villa đường Wangenheim 21, Berlin-Grunewald. Nhiều giáo sư đại học Berlin sống xung quanh và nhà của Planck trở thành trung tâm hoạt động xã hội và âm nhạc. Thuộc về những người khách thường lai vãng là những nhà khoa học nổi danh như Albert Einstein, Otto Hahn và Lise Meitner. Truyền thống tấu nhạc với nhau vốn bắt nguồn từ gia đình của Helmholtz.
Tuy nhiên, sau những năm hạnh phúc này thì gia đình Planck phải chịu nhiều hoạ nạn: Marie Planck chết ngày 17 tháng 10 năm 1909, có lẽ vì bệnh lao. Tháng 3 năm 1911, Planck cưới Marga von Hoesslin (1882–1948) và người con trai thứ ba của ông, Herrmann, sinh ra vào tháng 12.
Trong Thế chiến thứ nhất, con trai Karl của ông chết tại Verdun (Pháp), Erwin bị lính Pháp bắt giam năm 1914. Năm 1917, Grete chết trong khi sinh đứa con đầu. Chồng cô sau cưới cô em là Emma, là người sau hai năm chết cũng dưới những hoàn cảnh như vậy. Max Planck kham chịu những thảm hoạ này với một sự điềm tĩnh bất động. Hai đứa cháu gái sau mang tên của mẹ là Grete và Emma.
Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1945, Erwin Planck bị buộc tội tham dự cuộc ám sát Hitler không thành công và xử tử hình.
Giáo sư tại Berlin
Tại Berlin, Planck gia nhập Hiệp hội Vật lí Berlin và ghi lại như sau về thời gian này: "Lúc đó, tôi là nhà lí thuyết độc nhất và vì vậy, môi trường xung quanh không dễ mấy chính vì tôi đề xuất thuyết entropy, một thuyết đương thời không được ưa chuộng vì là một quái vật toán học". Qua sự đề nghị của ông mà Hội Vật lí tự cải danh là Hiệp hội Vật lí Đức (Deutsche Physikalische Gesellschaft, DPG) vào năm 1898.
Planck dạy môn vật lí lí thuyết trong sáu học kỳ. Lise Meitner ghi lại là "lãnh đạm, hơi bàng quan". Một người dự thính người Anh khác nhắc lại là Planck "không cần giấy ghi chú, không bao giờ phạm lỗi, không bao giờ ngập ngừng; người thuyết giảng hay nhất mà tôi đã chứng kiến" (James R. Partington). Số người tham dự những buổi dạy của ông lên từ 18 (1890) đến 143 (1909). Thính giả người Anh còn ghi thêm: "Lúc nào cũng có người đứng quanh giảng đường. Vì giảng đường khá nóng và chật nên một vài người tham dự thỉnh thoảng ra ngoài hành lang, nhưng sự việc này không quấy nhiễu buổi dạy". Planck không lập trường phái nào và tổng cộng có được 20 nghiên cứu sinh với những tên tiêu biểu sau đây:
· Max Abraham 1897 (1875–1922)
· Moritz Schlick 1904 (1882–1936)
· Walther Meißner 1906 (1882–1974)
· Max von Laue 1906 (1879–1960)
· Fritz Reiche 1907 (1883–1960)
· Walter Schottky 1912 (1886–1976)
· Walther Bothe 1914 (1891–1957)
Định luật bức xạ
Vào khoảng thời gian 1894, Planck bắt đầu chú ý đến vấn đề bức xạ của của hắc thể hay vật đen vốn đã được Kirchhoff dùng công thức để trình bày vào năm 1859: Cường độ của sự bức xạ điện từ mà một hắc thể (được xem là một vật hấp thu lí tưởng, cũng được gọi là lỗ hổng bức xạ) phát ra trong trạng thái bình hoành nhiệt động lực liên quan như thế nào với tần số của sự bức xạ (ví dụ như màu của ánh sáng) và nhiệt độ của vật thể? Vấn đề này được nghiên cứu trong viện vật lí và kĩ thuật, nhưng định luật Rayleigh-Jeanskhông thể được áp dụng để giải thích những kết quả thí nghiệm với tần số cao. Wilhelm Wien lập công thức xử lí được các kết quả thí nghiệm ở tần số cao, nhưng lại bó tay trước kết quả ở tần số thấp (định luật bức xạ Wien).
Planck sáp nhập hai định luật và qua sự tiếp cận bằng thuyết entropy, ông tìm ra định luật miêu tả rất tốt kết quả thí nghiệm, định luật bức xạ Planck; định luật này được trình bày lần đầu trong một cuộc họp của DPG ngày 19 tháng 10 năm 1900.
Ngày 14 tháng 12 năm 1900, ông đã trình bày lí thuyết của định luật bức xạ; nhưng vì thế mà ông áp dụng cơ học thống kê của nhà vật lí học Ludwig Boltzmann, vốn bị ông phản bác. Ông cự tuyệt mọi quan niệm thống kê thuần tuý về định luật hai nhiệt động lực học(theo nó, entropy không bao giờ giảm với thời gian), bởi vì ông xem xét nó dưới khía cạnh tự minh bạch: "... một hành động của tuyệt vọng ... tôi đã sẵn sàng hi sinh những gì xưa nay tôi tin chắc trong vật lí" ("... ein Akt der Verzweiflung ... ich war zu jedem Opfer an meinen bisherigen physikalischen Überzeugungen bereit ..."). So sánh với nó thì giả định năng lượng chỉ được phóng ra ở dưới dạng lượng tử
E = h ν
(với h là hằng số Planck và ν tần số của sự bức xạ) gần như là việc bên lề, "một giả định hình thức thuần tuý. Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều khi ấy" ("... eine rein formale Annahme, ich dachte mir eigentlich nicht viel dabei ...").
Ngày nay, giả định có tính mâu thuẫn với vật lí cổ điển này được xem là điểm khởi phát của ngành vật lí lượng tử và là thành tựu khoa học lớn nhất của Max Planck. (Tuy nhiên cần nên biết là trong những công trình lí thuyết ở những năm 1877, Ludwig Boltzmann đã có lập trường một cách rất tự nhiên là mức năng lượng của một hệ thống vật lí có thể là không liên tục).
Trong thời gian sau, Planck tìm cách nắm được ý nghĩa của các lượng tử nhưng không hiệu quả. Ông ghi lại như sau: "Những thí nghiệm vô hiệu quả của tôi với mục đích sáp nhập thuyết lượng tử vào lí thuyết cổ điển bằng cách nào đó đã kéo dài nhiều năm, hao tổn rất nhiều công sức của tôi".
Các nhà vật lí học khác như John Strutt Nam tước Rayleigh, James Jeans và Hendrik Antoon Lorentz sau đó nhiều năm vẫn đặt thường số này bằng 0 để không bị xung đột với vật lí cổ điển. Nhưng Planck biết rõ là thường số này có một giá trị chính xác khác 0. Ông nhắc lại như sau: "Tôi không hiểu được sự ngoan cố của Jeans. Ông ta là một ví dụ thế nào một nhà lí thuyết không nên là, tương tự trường hợp Hegel trong triết học, và sự việc còn tệ hơn nhiều cho những sự kiện nếu chúng không đúng."
Max Born ghi lại như sau về Max Planck: "Ông có tính bẩm sinh và theo truyền thống gia đình là bảo thủ, không thiên về những đổi mới cách mạng và giữ thái độ hoài nghi với những lời phán đoán. Nhưng niềm tin của ông vào năng lực ép buộc của tư duy lập cơ sở trên sự thật lớn đến mức ông không chần chờ khi đề xuất một giả định mâu thuẫn với truyền thống, bởi vì ông tin chắc là không có một lối ra nào khác".
Quan hệ với Einstein
Năm 1905, ba công trình nghiên cứu xướng đạo của Albert Einstein – một nhà vật lí chưa từng ai biết cho đến lúc đó – xuất hiện trong Niên báo vật lí (Annalen der Physik). Planck là một trong những người hiếm hoi nhận ra ý nghĩa của lí thuyết tương đối hẹp. Nhờ ảnh hưởng của ông mà lí thuyết tương đối được công nhận và phổ biến tại nước Đức. Chính Planck cũng đã góp phần lớn trong việc khởi thảo thuyết tương đối đặc thù này.
Tuy nhiên, ban đầu giả định của Einstein về quang tử – để giải thích hiện tượng hiệu ứng quang điện do Philipp Lenard phát hiện năm1902 – đã bị Planck từ khước; ông không chịu gác qua một bên thuyết điện động lực học của Maxwell và nói rằng: "Lí thuyết về ánh sáng sẽ không bị đẩy lùi vài thập niên, mà là vài thế kỉ cho đến thời điểm Christian Huygens phản đối thuyết phát xạ mãnh liệt của Newton...".
Năm 1910, Einstein nói về ứng xử dị thường của nhiệt dung riêng ở nhiệt độ thấp như một hiện tượng không được giải thích bởi vật lí cổ điển. Để giải đáp những mâu thuẫn, Planck và Walther Nernst tổ chức cuộc hội thảo Solvay đầu tiên (Brussels 1911), và ở đây, Einstein đã thuyết phục được Max Planck về sự tồn tại của quang tử.
Trong lúc này, Planck đã nắm chức chủ nhiệm tại Đại học Berlin và cũng qua đó có khả năng gọi Einstein đến Berlin và lập cho ông một bộ môn mới (1914). Ông kết bạn thân với vị này và họ thường hoà nhạc cùng nhau.
Thế chiến thứ nhất và Cộng hoà Weimar
Khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu, Planck cũng không thoát khỏi sự hăng hái nhiệt tình hiện hành thời. Ông ghi lại:
"Ngoài những sự kiện khủng khiếp thì cũng có những điểm to lớn và hay: Những giải đáp nhanh chóng cho những vấn đề nội chính khó nhất qua sự thống nhất của tất cả các đảng,... sự đề cao tất cả những người giỏi và chân chính."
Mặc dù khước từ tất cả các dạng chủ nghĩa dân tộc thái quá, ví như trường hợp Học viện khoa học Preußen đã trao giải thưởng cho một công trình nghiên cứu Ý dưới ảnh hưởng của ông (Planck giữ một trong bốn ghế chủ tịch hội) mặc dù Ý vừa chuyển sang phía địch thủ. Mặc dù vậy, tờ "Biểu minh của 93 nhà trí thức" (Manifest der 93 Intellektuellen), một quyển sách nhỏ tuyên truyền chiến tranh mang chữ kí của ông, trong khi thái độ chủ trương hòa bình khắt khe của Einstein gần như đã đưa ông vào tù (Einstein chỉ thoát nạn vì lúc đó mang quốc tịch Thuỵ Sĩ). Năm 1915, sau nhiều cuộc hội ngộ với Lorentz, Planck đã thu hồi các thành phần của biểu minh này và 1916, ông kí tên chống chủ nghĩa thôn tính của nước Đức.
Trong thời hỗn loạn sau chiến tranh, Planck – lúc này đã là người có thẩm quyền bậc nhất trong lĩnh vực vật lí tại Đức – ra khẩu lệnh cho các bạn đồng nghiệp là "chịu đựng và tiếp tục làm việc" (Durchhalten und weiterarbeiten). Tháng 10 năm 1920, Fritz Haber và Planck lập "Hội cấp cứu khoa học Đức" (Notgemeinschaft der Deutschen Wissenschaft) với mục đích tương trợ các công trình nghiên cứu đang trong hoàn cảnh khốn cùng. Phần lớn những nguồn tài trợ có nguồn từ ngoại quốc. Planck lúc này giữ nhiều chức vụ lớn tại Đại học Berlin, Học viện khoa học Preußen (Preußische Akademie der Wissenschaften), Hội Vật lí Đức (Deutsche Physikalische Gesellschaft) cũng như Hội Kaiser-Wilhelm (Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft, viết tắt KWG, sau này đổi thành hội Max Planck); dưới những hoàn cảnh như thế thì việc nghiên cứu cá nhân là một việc bất khả thi.
Planck gia nhập đảng DVP, đảng của Stresemann, theo đuổi những mục đích tự do về mặt nội chính, nhưng có vẻ theo chủ nghĩa tu chính về phía ngoại giao. Ông từ khước quyền bầu cử phổ thông và quan niệm rằng chế độ Đức quốc xã sau này bắt nguồn từ sự "Bùng dậy của chính quyền số đông".
Cơ học lượng tử
Cách diễn giảng cơ học lượng tử theo trường phái Kopnenhagen của Bohr, Heisenberg và Pauli trong những năm cuối thập niên 1920 không được Planck tán thành. Cùng với ông, Schrödinger, Laue và Einstein giờ đây cũng được xếp vào hạng bảo thủ. Planck quan niệm thuyết cơ học ma trận của Heisenberg là một học thuyết kinh dị và đón chào phương trình Schrödinger như một sự giải thoát. Ông cho rằng, cơ học sóng sẽ thế chỗ cơ học lượng tử, đứa con của ông. Tuy nhiên, khoa học đã vượt qua những nghi vấn của Planck. Và định luật Planck vốn là phát kiến trong thời nghiên cứu trẻ tuổi của Planck giờ đây có giá trị cho chính ông khi nhìn nhận các phát kiến khác của giới trẻ:
Một chân lí khoa học mới thường không thắng bằng cách thuyết phục những người phản đối và họ tự thú là được dạy, mà qua việc những người này dần dần qua đời cũng như thế hệ đang lên được làm quen với chân lí ngay từ đầu.
Chế độ độc tài Đức quốc xã và Thế chiến thứ hai
Khi Đức quốc xã nắm quyền năm 1933 thì Planck đã 74 tuổi. Ông phải chứng kiến sự kiện bạn bè đồng nghiệp bị trục xuất khỏi văn phòng làm việc, bị hạ nhục và chứng kiến việc hàng trăm nhà nghiên cứu phải ra khỏi nước Đức. Một lần nữa, ông áp dụng khẩu lệnh "ráng chịu đựng và tiếp tục làm việc", thỉnh cầu những nhà vật lí muốn xuất cảnh ở lại, và ông cũng thành công phần nào trong việc này (ví dụ như trường hợp Heisenberg).
Hahn hỏi Planck là có thể nào tụ hợp một số giáo sư được công nhận để làm một kháng thư chống lại việc đối xử các nhà vật lí gốc Do Thái, và Planck ứng đáp như sau: "Nếu ông tụ họp 30 người như vậy thì hôm sau 150 người khác đến phản đối, vì họ muốn có chỗ làm của những người kia." Trong trường hợp Fritz Haber Planck thậm chí đến nơi Hitler để can thiệp – dĩ nhiên là hoàn toàn vô ích. Haber mất năm 1934 tại hải ngoại.
Một năm sau, với tư cách là chủ tịch hội KWG (từ năm 1930), Planck tổ chức một buổi tưởng niệm Haber một cách thách thức. Ông cũng tạo điều kiện cho một loạt khoa học gia gốc Do Thái làm việc trong các học viện của KWG.
Năm 1936, nhiệm kì chủ tịch KWG của Planck chấm dứt, và vì sự thúc đẩy của chế độ Đức quốc xã nên ông từ khước việc ra ứng cử một lần nữa.
Dần dần, bầu không khí chính trị ngày càng gắt gao. Johannes Stark, đại biểu của nhánh Vật lí Aryan (Arische Physik) và chủ tịch viện Vật lí kĩ thuật đế quốc (Physikalisch-Technische Reichsanstalt) lăng mạ Planck trong một tờ báo của SS; Sommerfeld và Heisenberg bị gọi là "Do Thái trắng" ("weiße Juden") và ông gây nhiều điểm bất đồng trong toàn ngành Vật lí lí thuyết. "Văn phòng khoa học trung ương" tìm hiểu về gia phả của Planck nhưng chỉ đạt được một kết quả vô vị là ông chỉ có 1/16 máu Do Thái.
Năm 1938, Planck ăn mừng sinh nhật 80 tuổi. Trong khi cuộc tổ chức long trọng của DPG đang diễn biến thì nhà vật lí học ngưiời Pháp Louis de Broglie được nhận mề đai Max Planck - ngay trước khi thế chiến bắt đầu. Planck nhận được hơn 900 lời chúc mừng và ông đã đích thân hồi đáp từng lá thư.
Cuối năm 1938, học viện vật lí bị kiểm soát theo kiểu Gleichschaltung, Planck từ chức vì phản đối. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn thường đi thuyết giảng, ví dụ như năm 1937 đi các nước ở Biển Đông châu Âu (Baltic States) với bài thuyết nổi danh là "Tôn giáo và khoa học tự nhiên" ("Religion und Naturwissenschaft") và vào năm 1943, ông còn chinh phục nổi vài ngọn núi trên 3000m ở rặng Alps.
Trong thế chiến thứ hai, quân Đồng Minh liên tục tiến hành các chiến dịch ném bom khiến Planck và vợ ông phải rời Berlin đến chỗ ở riêng bên sông Elbe. Ông viết năm 1942: "Tôi khát khao trải qua hoạn nạn và được sống cho đến khi chứng kiến bước ngoặc, khởi điểm của sự thăng tiến". Năm 1942, căn nhà của ông tại Berlin bị bom đạn tàn phá. Trong những tuần cuối của cuộc chiến, gia đình ông sa vào biên giới của phe Đồng Minh. Cuối cùng, sau chiến tranh, ông được đưa về nhà của cô cháu tại Göttingen.
Những năm cuối
Ngay sau chiến tranh, Hiệp hội Kaiser-Wilhelm (Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft) được lập lại với sự chỉ đạo từ Göttingen; chính quyền chiếm đóng Anh bắt đặt tên khác và vì vậy, Hiệp hội Max-Planck (Max-Planck-Gesellschaft) được kiến lập (kể từ tháng 2 năm 1948). Planck lại giữ ghế chủ tịch hội về mặt hình thức.
Mặc dù các vấn đề sức khoẻ ngày càng tăng nhưng Planck vẫn tiếp tục đi thuyết giảng. Năm 1946, ông tham dự các buổi lễ của Hiệp hội hoàng gia (Royal Society) nhân dịp kỉ niệm ngày sinh nhật thứ 300 của Newton với tư cách là người Đức duy nhất được mời. Ngày 4 tháng 10 năm 1947, Planck qua đời sau khi bị té và nhiều cơn tai biến mạch máu não khác.
Quan điểm tôn giáo
Planck tận tụy và bền bỉ trung thành với đạo Thiên chúa từ thời thơ ấu cho đến khi mất nhưng ông cũng rất rộng mở với những quan điểm và tôn giáo khác và không hài lòng với những đòi hỏi về niềm tin không được thắc mắc của các tổ chức của nhà thờ Đức quốc xã.
Thiên Chúa mà Planck tin là một đấng toàn năng, biết tất cả, nhân từ nhưng không thể hiểu được, ngập tràn tất cả mọi thứ, biểu hiện bằng các biểu tượng, bao gồm các định luật vật lý. Quan điểm của ông có thể đã được thúc đẩy bởi một cách nhìn trái ngược của Einstein và Schrödinger - chống lại những nhà thực chứng, tổng kết chủ quan thế giới của cơ học lượng tử vũ trụ của Bohr,Heisenberg và những người khác. Planck quan tâm đến chân lý và vũ trụ ngoài tầm quan sát, và phản đối chủ nghĩa vô thần như là một nỗi ám ảnh với các biểu tượng.
Planck xem những nhà khoa học như một con người của trí tưởng tượng và niềm tin, "đức tin" được hiểu tương tự như "có một giả thuyết chấp nhận được" ("having a working hypothesis"). Ví dụ, các nguyên tắc của quan hệ nhân quả là không đúng hay sai mà là một hành động của đức tin.
Huy chương và vinh dự
· Huy chương Lorentz 1927
· "Pour le Mérite" dành cho khoa học và nghệ thuật 1915 (Planck là chủ tịch hội trao huân chương này từ 1930 trở đi)
· Giải Nobel Vật lý năm 1918 (được trao năm 1919)
· Huân chương con ó của Đế quốc Đức năm 1928
· Huy chương Max-Planck (1928, cùng với Einstein; giải này được tặng bởi DPG năm 1928)
· Giải Goethe năm 1945
· Tiến sĩ danh dự của các đại học Frankfurt, München (TH), Rostock, Berlin(TH), Graz, Athen, Cambridge, London và Glasgow
· Viện sĩ Viện hàn lâm giáo hoàng về Khoa học
· Tiểu hành tinh 1069 được gọi để tôn vinh Planck là "Stella Planckia" (1938)
· Từ năm 1957 đến 1971, các đồng tiền 2-DM của Đức mang hình của Max Planck.
Tác phẩm
· Planck, Max. (1897). Vorlesungen über Thermodynamik
· Planck, Max. (1900). “Entropy and Temperature of Radiant Heat.” Annalen der Physik, vol. 1. no 4. April, pg. 719-37.
· Planck, Max. (1901). "On the Law of Distribution of Energy in the Normal Spectrum". Annalen der Physik, vol. 4, p. 553 ff.
ĐỌC NHIỀU
-
Ông tiến sĩ kiêm nhiều “vai diễn” ĐĂNG TẠI: NGƯỜI TA LÀ HOA CỦA ĐẤT | Tags: HFS , Lê Quý Anh , NSUT Văn Lượng , tiến sĩ kiê...
-
Thầy Hà Trung Thành đã từng là Hiệu trưởng Hiệu trưởng trường Huấn luyện Cán bộ Thiếu niên Tiền phong TP. Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng trư...
-
Võ Quốc Thắng sinh ra và lớn lên tại Long An. Vào năm 1963, khi chiến tranh diễn ra ác liệt tại quê nhà, ba Thắng, cụ Võ Thành Lân đã cù...
-
Nguyễn Duy Cương là một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Khai phá khả năng tiềm ẩn con người. Ông đã và ...
-
Franz Kafka (3 tháng 7 năm 1883 - 3 tháng 6 năm 1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, đ...
-
Sir John Tenniel - Danh hoạ nổi tiếng người Anh cách đây 2 thế kỷ Sir John Tenniel (28/2/1820 – 25/2/1914) là một họa sĩ biếm họa ngườ...
-
Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về doanh nhân nổi tiếng, trước khi quản lý một doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô, họ đã khởi nghiệp...
-
TRẦN THÁNH TÔNG – VUA VIỆT NAM – HOÀNG ĐẾ ĐẠI VIỆT Trần Thánh Tông – Thông tin chung: Trị vì: 30 tháng 3 năm 1258 – 8 tháng 11 n...
-
James Gosling (sinh ngày 19 tháng 5 năm 1955 gần Calgary, Alberta, Canada) là một nhà phát triển phần mềm nổi tiếng. Nghề ...
DANH MỤC
- ANH HÙNG
- BÁC SĨ
- CEO
- CHA ĐẺ
- CHÍNH TRỊ
- CHỦ TỊCH
- CHỦ TỊCH HĐQT
- CHUYÊN GIA
- CHUYÊN GIA GIÁO DỤC
- CÔNG CHÚA
- DANH NGÔN
- DANH NHÂN
- DANH NHÂN CỔ ĐẠI
- DANH NHÂN VẦN A
- DANH NHÂN VẦN B
- DANH NHÂN VẦN C
- DANH NHÂN VẦN D
- DANH NHÂN VẦN Đ
- DANH NHÂN VẦN E
- DANH NHÂN VẦN F
- DANH NHÂN VẦN G
- DANH NHÂN VẦN H
- DẠNH NHÂN VẦN I
- DANH NHÂN VẦN J
- DANH NHÂN VẦN K
- DANH NHÂN VẦN L
- DANH NHÂN VẦN M
- DANH NHÂN VẦN N
- DANH NHÂN VẦN O
- DANH NHÂN VẦN P
- DANH NHÂN VẦN Q
- DANH NHÂN VẦN R
- DANH NHÂN VẦN S
- DANH NHÂN VẦN T
- DANH NHÂN VẦN V
- DANH NHÂN VẦN W
- DANH NHÂN VIỆT
- DANH SĨ
- DANH VẦN M
- DỊCH GIẢ
- DIỄN GIẢ
- DO THÁI
- DOANH NHÂN
- GIẢI NOBEL
- GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
- GIẢNG VIÊN
- GIÁO DỤC
- GIÁO SƯ
- KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
- KHOA HỌC - TỰ NHIÊN
- KINH TẾ
- MỤC SƯ
- NGƯỜI DO THÁI
- NHÀ ĐỊA CHẤT
- NHÀ HÓA SINH
- NHÀ KHOA HỌC
- NHÀ LÃNH ĐẠO
- NHÀ LẬP TRÌNH
- NHÀ NGHIÊN CỨU
- NHÀ NGOẠI GIAO
- NHÀ SÁNG LẬP
- NHÀ SINH HỌC
- NHÀ SINH LÝ HỌC
- NHÀ SOẠN KỊCH
- NHÀ THIÊN VĂN
- NHÀ THÔNG THÁI
- NHÀ THƠ
- NHÀ TOÁN HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC
- NHÀ TỰ NHIÊN HỌC
- NHÀ VĂN
- NHÀ VĂN HÓA - TƯ TƯỞNG
- NHÀ VẬT LÝ
- NHẠC SĨ
- NHÂN KHẨU HỌC
- ÔNG CHỦ
- SÁNG LẬP VIÊN
- SĨ QUAN HẢI QUAN
- SOCRATES
- SỬ GIA
- TÁC GIẢ
- THỦ LĨNH
- THỦ TƯỚNG
- TIẾN SĨ
- TIỂU THUYẾT GIA
- TỔNG GIÁM ĐỐC
- TRIẾT GIA
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- VOLTAIRE
- Vua
BÀI VIẾT
-
►
2013
(49)
- ► tháng mười hai (2)
- ► tháng mười một (1)
- ► tháng mười (1)
-
►
2011
(10)
- ► tháng mười hai (6)
- ► tháng mười (1)
- ► tháng chín (2)
Copyright ©
THẾ GIỚI DANH NHÂN | Bản quyền thuộc về DANH NHÂN VĂN HÓA - HOÀNG GIA
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia